Phố Wall chao đảo
(Dân trí) - “Bão tố” dội về Phố Wall vào đầu tuần này khi Merrill Lynch đồng ý bán mình cho Bank of America lấy 50 tỷ USD, còn Lehman Brothers chuẩn bị hồ sơ phá sản. Đây là cơn chấn động mạnh nhất trên thị trường tài chính Mỹ từ đầu năm đến nay.
Ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ, Lehman Brothers, tuyên bố họ đang chuẩn bị hồ sơ để tuyên bố phá sản, sau khi đã lỗ nhiều tỷ USD trong cơn khủng hoảng của thị trường nhà đất Mỹ.
Cảnh sát đã phải dựng hàng rào bảo vệ quanh trụ sở Lehman Bros tại New York trong khi nhân viên ngân hàng lặng lẽ bê những thùng các-tông rời khỏi nơi làm việc trước ánh mắt hiếu kỳ của người qua đường.
Lehman Bros cho biết bộ phận môi giới và bộ phận quản lý tài sản Neuberger Berman Holdings không nằm trong hồ sơ phá sản.
Barclays và Bank of America đều từng có ý định rót vốn vào Lehman Bros nhưng đã “bỏ chạy” vì không nhìn thấy tiềm năng.
Một tin cũng gây chấn động không kém là việc Bank of America tuyên bố đã đồng ý mua ngân hàng đầu tư Merrill Lynch với giá 50 tỷ USD, trong khi năm ngoái giá trị của tập đoàn là hơn 100 tỷ USD. Hợp đồng này sẽ kiến tạo một tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới.
Ông Peter Peterson, người đồng sáng lập tập đoàn Blackstone, cũng là người đã từng lãnh đạo Lehman vào thập niên 70, và là Bộ trưởng Thương mại Mỹ dưới thời tổng thống Nixon, nói: “Tôi ở trong lĩnh vực này đã 35 năm, và đây là những sự kiện đặc biệt nhất mà tôi từng chứng kiến.”
Mới một tuần trước, chính phủ Mỹ cũng đã phải tuyên bố tiếp quản hai tập đoàn tài chính lớn đang lâm nguy là Fannie Mae and Freddie Mac.
Giờ đây, thêm tin xấu về Merrill Lynch và Lehman Brothers, các nhà đầu tư Phố Wall càng thêm bi quan về viễn cảnh thị trường. Họ băn khoăn không biết liệu điều gì có thể tác động tích cực lên nền kinh tế đang ngày một suy yếu khi cuộc khủng hoảng tín dụng ngày một trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tốc độ tăng trưởng quốc gia chậm lại.
Tương lai của khoảng 60.000 nhân viên Merrill Lynch và 25.000 nhân viên Lehman Bros hiện chưa biết sẽ ra sao. Lo lắng về tình trạng khủng hoảng và tác động của nó đến nền kinh tế New York, thị trưởng thành phố Michael Bloomberg đã phải huỷ chuyến đi tới California gặp thống đốc Arnold Schwarzenegger. Thay vào đó, các phụ tá cho biết ông Bloomberg đã dành phần lớn thời gian của dịp cuối tuần vừa rồi để trao đổi với các quan chức liên bang và lãnh đạo ngành ngân hàng trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn khủng hoảng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã tuyên bố chấp nhận cổ phiếu làm thế chấp đối với các khoản vay khẩn cấp, nhằm trấn an các tổ chức tài chính và giới đầu tư.
Đặng Lê
Theo IHT, BBC