Phở Việt cần phải "bước ra" thế giới như Sushi Nhật hay Pizza Ý

(Dân trí) - Sushi Nhật Bản, Pizza Ý hay xúc xích Đức…bán khắp nơi trên thế giới và phở Việt Nam cũng cần phải làm được như vậy. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia trong buổi họp báo “Ngày của Phở” 12/12 tôn vinh hương vị Việt.

Ông Cao Huy Thọ, đại diện Ban tổ chức “Ngày của Phở” cho biết, cách đây 10 năm, một số đơn vị đã ấp ủ dự án quảng bá, giới thiệu phở Việt Nam ra thế giới nhưng dự án này đã thất bại. Người Nhật cũng đã tổ chức ngày hội của phở trước cả Việt Nam và ngày hội này diễn ra vào ngày 4/4 hàng năm tại Nhật Bản.

“Người Nhật tự hào có Sushi, người Ý tự hào có Pizza thì Việt Nam cũng cần phải tự hào với món phở. Chúng ta cần phải đưa phở đến gần hơn với bạn bè quốc tế để giới thiệu nền ẩm thực phong phú, đa dạng của chúng ta”, ông Thọ nói.

Ban tổ chức “Ngày của Phở” giới thiệu về sự kiện.
Ban tổ chức “Ngày của Phở” giới thiệu về sự kiện.

Lấy ví dụ về việc người nước ngoài yêu thích phở Việt Nam, ông Thọ chia sẻ, ông có một người bạn đến từ nước Đức. Mỗi tháng, người bạn của ông ăn phở khoảng 15 lần nhưng không hề ngán. Người bạn của ông “ghiền” phở đến nỗi thường xyên mặc chiếc áo thun có in dòng chữ “Hello Phở”.

Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất phở ăn liền cho biết, nếu phở được người dân quốc tế biết đến rộng rãi thì giá trị hạt gạo của Việt Nam sẽ được nâng cao đáng kể. Người nông dân sản xuất gạo, trồng rau thơm, nuôi bò, nuôi gà sẽ được hưởng lợi khi món phở được nhiều người biết đến.

“Người Việt coi món phở là món ăn bình thường và ăn chúng hàng ngày. Tuy nhiên, người dân cần giới thiệu đến bạn bè quốc tế nhiều hơn nữa về giá trị văn hóa và giá trị dinh dưỡng mà món phở mang lại”, ông Kajiwara Junichi nói.

Sự kiện “Ngày của Phở” thu hút đông đảo giới truyền thông khi một món ăn đậm chất Việt được quảng bá rộng rãi. Những câu chuyện về phở luôn hấp dẫn người nghe.
Sự kiện “Ngày của Phở” thu hút đông đảo giới truyền thông khi một món ăn đậm chất Việt được quảng bá rộng rãi. Những câu chuyện về phở luôn hấp dẫn người nghe.

Theo ông Kajiwara Junichi, ở Nhật Bản, người dân rất thích các món ăn dạng sợi như phở và phở Việt Nam hoàn toàn có thể thành công lớn tại xứ sở “hoa anh đào”.

Cũng theo ông Kajiwara Junichi thì các doanh nghiệp Việt muốn kinh doanh món phở thành công ở nước ngoài thì cần chế biến phở có hương vị phù hợp với nhu cầu, sở thích của người dân ở quốc gia đó.

Hiện tại, phở khô ăn liền của Việt Nam đang được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Úc hay châu Âu và được các thị trường này đón nhận nồng nhiệt. Giá trị hạt gạo của Việt Nam đã tăng khoảng 3 lần sau khi gạo được chế biến thành phở khô.

Ông Kajiwara Junichi, người Nhật Bản cho rằng, khi ra nước ngoài, phở Việt cần được “chế” lại để phù hợp hơn với sở thích của người dân ở mỗi quốc gia.
Ông Kajiwara Junichi, người Nhật Bản cho rằng, khi ra nước ngoài, phở Việt cần được “chế” lại để phù hợp hơn với sở thích của người dân ở mỗi quốc gia.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho rằng, phở sẽ là món ăn đi tiên phong trong việc giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam. Khi bạn bè quốc tế đã biết đến phở và tìm hiểu kỹ hơn về đất nước, con người Việt Nam thì các món ăn khác như bún bò, bánh cuốn, mì quảng…sẽ tiếp tục được giới thiệu.

“Ở nước ngoài, món phở Việt Nam có giá trị rất cao. Tại một số quốc gia, mỗi tô phở được bán với giá 12 EUR (khoảng 312.000 đồng/tô). Tuy nhiên, người dân đừng vội vàng tự hào vì tô phở có giá trị bởi chúng ta cũng đang sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn thế để ăn Sushi”, ông Kỳ nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Theo ông Kỳ, muốn phở Việt Nam cũng được nhiều người biết đến như Sushi Nhật Bản hay Pizza của Ý thì cần phải “chuẩn hóa” ngay từ đầu các gia đoạn như: sản xuất gạo, thịt sạch, rau sạch. Sau khi các công đoạn đã được chuẩn hóa thì việc công nghiệp hóa sẽ dễ dàng hơn.

Sự kiện “Ngày của Phở” sẽ được tổ chức vào ngày 12/12 tại AEON Mall Long Biên (Hà Nội) với nhiều hoạt động thú vị.

Đại Việt – Công Quang