Phó Tổng PVN: "Lọc dầu Dung Quất không thể đóng cửa"

(Dân trí) - Theo lãnh đạo PVN, nếu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy khác. Hiện PVN đang đề xuất một số chính sách để giá cả các sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất có thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy khác.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy khác.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Trước lo ngại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có nguy cơ phải đóng cửa do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ đầu ra, tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo Đầu tư tổ chức sáng 15/4, ông Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định: "Nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể đóng cửa được".

 

Theo ông Quỳnh, vừa rồi có chính sách về thuế nhập một số mặt hàng xăng dầu form D, khiến một số doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu trong nước từ chối nhận hàng từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để mua hàng từ nước ngoài. 

 

"Tuy nhiên, nếu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy khác. Chính vì thế, hiện nay, PVN đang trình các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, báo cáo Thủ tướng đề xuất có chính sách về giá bán sản phẩm, thuế đối với các mặt hàng xăng dầu sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu để giá cả các sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể cạnh tranh được với lại các loại sản phẩm tương đương nhập khẩu", ông Quỳnh nói.

 

Nguồn cơn của những lo ngại nhà máy lọc dầu hiện đại nhất cả nước tính tới thời điểm hiện tại có thể sẽ phải đóng cửa bắt đầu xuất hiện từ tuần qua sau một vài chia sẻ của lãnh đạo Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

 

Chia sẻ với báo giới, ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho hay, nếu áp dụng chính sách mà Bộ Tài chính ban hành thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong thời gian tới sẽ có nguy cơ đóng cửa do các đối tác từ chối nhận hàng bởi sản phẩm của Dung Quất sẽ cao hơn giá bán từ các nước ASEAN. 

 

Phía PVN cũng cho hay, việc phải bù lỗ cho BRS trong bối cảnh giá dầu thấp hơn nhiều so với trước đây cũng khiến PVN bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

 

Theo lộ trình, kể từ ngày 1/1/2015, mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN gồm khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu có mức thấp hơn so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu.

 

Cụ thể, theo Thông tư số 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, sản phẩm xăng dầu (mã HS 2710) có thuế nhập khẩu 20% trong giai đoạn 2015-2018. Đối với nhiên liệu diesel cho ô tô (mã HS 27101971 và 27101972) có thuế nhập khẩu 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% từ năm 2016 đến 2018. Dầu nhiên liệu (mã HS 27101979) có thuế suất 0% từ năm 2015 đến 2018.

 

Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng hiện nay đối với BSR với nhiên liệu xăng 35%, Jet A1 (25%), dầu diesel (30%), khí hóa lỏng LPG (3%) và 2% đối với hạt nhựa. Đối chiếu với mức thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu nhập từ các nước ASEAN, sản phẩm của BSR khó cạnh tranh so với nhiên liệu nhập khẩu.

 

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”