Quyết tâm "làm sạch" môi trường kinh doanh của Thủ tướng gặp rào cản ở cấp dưới
(Dân trí) - Đây là một trong những nội dung được Chính phủ báo cáo lên Quốc hội tại kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Báo cáo của Chính phủ cho biết, việc triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 ở nhiều bộ, ngành trung ương, địa phương còn chậm và còn nhiều rào cản, hạn chế.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng - vừa có báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 gửi Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015.
Đồng thời, ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.
Đặc biệt là trong thời gian này, Chính phủ tập trung vào các giải pháp khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực mới cho phát triển.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị và ban hành đúng thời hạn và có chất lượng 50 nghị định về điều kiện kinh doanh (đúng thời hạn trước ngày 1/7/2016), qua đó loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý, tạo bước đột phá lớn trong xây dựng và ban hành hoàn thiện thể các văn bản pháp luật.
"Với sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đã tạo nhiều chuyển biến trong môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai công tác này ở nhiều bộ, ngành trung ương, địa phương cũng còn chậm và còn nhiều rào cản, hạn chế", báo cáo nêu.
Do vậy, theo dự kiến của Chính phủ, trong thời gian tới, các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tiếp tục phải được thực hiện kiên quyết hơn, để tạo sự lan tỏa, đưa các Nghị quyết và các chỉ đạo của Chính phủ xuống đến các cấp, các ngành và các đơn vị cơ sở.
Theo các số liệu báo cáo, trong 6 tháng đầu năm đã có trên 54.500 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 428.000 tỷ đồng, tăng 20% về số lượng DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân 1 DN tăng 26,2% so với cùng kỳ, đạt 7,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, có trên 14.900 DN trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, nay đã trở lại hoạt động, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,2%)
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận có hơn 12.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước. Gần 19.000 DN tạm ngừng hoạt động (không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước . Và đáng lo ngại là có tới hơn 5.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 0,9%). Tuy nhiên, riêng trong Quý II/2016, số DN giải thể giảm 11,3% so với Quý I/2016.
Chính phủ đánh giá, trong 6 tháng cuối năm, hoạt động của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo, nhưng vẫn còn có độ trễ trong việc triển khai các chính sách này. Việc tiếp cận các chính sách phát triển, các yếu tố đầu tư kinh doanh, như mặt bằng sản xuất, kinh doanh, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nhất là đối với DN nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế.
Bích Diệp