Phó Thủ tướng: Sẽ diệt tận gốc ổ nhóm sản xuất hàng giả

(Dân trí) - Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác chống buôn bán, vận chuyển và sản xuất hàng gian, hàng giả và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…Sắp tới cần tập trung triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả trên cả nước.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Tọa đàm xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được tổ chức sáng ngày 20/6 tại Hà Nội.

Ph
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 trung ương về Phòng chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả

Theo Phó Thủ tướng: Hàng giả, hàng nhái, buôn lậu đang là tội ác nghiêm trọng đối với đất nước và người dân. Hiện nay, có nhiều hành vi tinh vi, thủ đoạn gian dối trong việc hàng giả, hàng nhái, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, vẫn còn tình trạng cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thậm chí có lực lượng bao che, tiếp tay cho tình trạng hàng giả, hàng lậu. Sắp tới cần tập trung triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả trên cả nước.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải Quan và sơ kết của Ban Chỉ đạo 389 trung ương, 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã bắt giữ 8.800 vụ hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Tính chất của hàng nhái, hàng giả ngày càng đa dạng và tinh vi hơn khi đối tượng sản xuất sử dụng các thiết bị công nghệ, máy móc hiện đại. Các sản phẩm bị làm giả ngày càng đa dạng hơn, từ hàng điện tử, linh kiện điện đến thực phẩm, thuốc và hóa mỹ phẩm… Hiện, hàng giả, hàng nhái đang không chỉ ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường và sức khỏe, tính mạng, lợi ích của người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo 389 của Trung ương về Phòng, chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại khẳng định: “Cần kiên quyết, không cho phép có “vùng cấm” trong công tác chống buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Đây là không còn nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm đối với đất nước, doanh nghiệp và tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm quy định về đăng ký: tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa, ghi mã số, mã vạch và các quy định về đo lường chất lượng...”.

Theo các chuyên gia tại Tọa đàm, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng gian, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ sự lơi lỏng của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, thiếu kiên quyết chống lại hàng giả, sản xuất hàng giả, thậm chí còn biểu hiện “bảo kê” đối với sản xuất và tiêu thụ hàng giả, cho đến các DN thờ ơ hoặc chọn cách chống hàng giả, hàng nhái tiêu cực nhằm “chữa cháy” tạm thời.

“Không ít DN chọn cách “xử lý nhẹ tay” đối với DN làm hàng gian, hàng giả của mình nhằm tránh tác động xấu đến sản phẩm, tâm lý người tiêu dùng. Hạn chế thông báo cho người tiêu dùng nhận biết đâu là hàng thật, hàng giả và cách nhận biết rồi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với cơ quan chức năng để đấu tranh…”, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) khẳng định.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi trình độ phát triển của công nghệ cao, hiện đại với tốc độ nhanh đã gây thiệt hại lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển doanh nghiệp nói riêng cũng như của nền kinh tế đất nước nói chung. Các mặt hàng làm giả cũng đa dạng, từ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đến các hàng điện tử, điện lạnh, hàng may mặc, vật liệu xây dựng, mũ bảo hiểm, mỹ phẩm, dược phẩm... Sản phẩm nào nếu làm giả có lợi nhuận cao thì lập tức sẽ có hàng giả ngay trên thị trường, tốc độ làm giả ngày càng nhanh và rẻ, thủ đoạn tinh vi hơn nhiều so với trước đây.

“Không chỉ Ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm mà hàng giả đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Nó cũng đang là thách thức đối với quản lý Nhà nước, phá họai thị trường sản xuất, các DN làm ăn chân chính”, ông Bảo khẳng định.

Theo các DN, ngoài chủ động của Nhà nước, DN thì đấu tranh chống hàng giả còn phụ thuộc rất lớn lực lượng thực thi pháp luật và ý thức của cộng đồng, người tiêu dùng. Không thể chống hàng giả, hàng nhái nếu các mặt hàng túi xách, quần áo, đồ gia dụng được bày bán công khai và người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua và sử dụng các sản phẩm này.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”