Phó Thủ tướng Phúc: Mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc là bình đẳng!

(Dân trí) - Chính phủ đã yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó cả về trước mắt và lâu dài, theo sát tình hình để áp dụng giải pháp phù hợp trong một số lĩnh vực có quan hệ với Trung Quốc như XNK, tổng thầu EPC gắn với vốn vay ưu đãi, du lịch…


Thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình thêm một số vấn đề với đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,08% - thấp nhất trong 10 năm qua, dự kiến cả năm kiểm soát ở mức khoảng 5%. Xuất khẩu tăng 15,4%;  xuất siêu 1,6 tỷ USD, thu ngân sách đạt 45,8% dự toán, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  thực hiện cao hơn cùng kỳ đạt 4,6 tỷ USD…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong tháng 5, việc Trung Quốc đặt hạ giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã có những tác động tiêu cực tới một số lĩnh vực.

Ngay trong tháng 5 xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch giảm nhẹ. Các thị trường vàng, ngoại tệ dao động mạnh trong một vài ngày do tác động tâm lý của nhà đầu tư. Theo nhận định của Chính phủ, thời gian tới, kinh tế xã hội có thể bị ảnh hưởng trên một số lĩnh vực tùy thuộc vào diễn biến quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và các đối sách của Việt Nam.

Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, địa phương, doanh nghiệp khắc phục các hạn chế yếu kém, theo dõi sát tình hình, chủ động các phương án ứng phó, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu về kinh tế xã hội mà Quốc hội đã đặt ra.

Liên quan đến vụ việc xô xát tại các Khu công nghiệp giữa bối cảnh người dân biểu thị lòng yêu nước diễn ra hồi tháng 5, Phó Thủ tướng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, tất cả các doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường. 

Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để tình trạng này tái diễn, bảo đảm an ninh an toàn cho các tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài ở Việt Nam và bảo đảm tốt môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan chức năng dự báo các khả năng có thể xảy ra, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó cả về trước mắt và lâu dài, theo sát tình hình để áp dụng giải pháp phù hợp trong một số lĩnh vực có quan hệ với Trung Quốc như xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, tổng thầu EPC gắn với vốn vay ưu đãi, du lịch… 

Tập trung nguồn lực đầu tư phương tiện, trang thiết bị, có chế độ chính sách phù hợp đối với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; Đồng thời, bảo đảm an ninh an toàn, hỗ trợ cho ngư dân trên biển, nâng cao phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân trên biển trong việc thực hiện bảo đảm chủ quyền biển đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Mối quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, giao lưu du lịch với Trung Quốc là quan hệ bình đẳng, cùng có lợi trong kinh tế thị trường”. Việt Nam chủ trương nhất quán tăng cường hợp tác hiệu quả với Trung Quốc trong các lĩnh vực này cả về song phương và đa phương vì lợi ích của mỗi nước.  

Chính phủ xác định: “Bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta cần quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đi liền nền kinh tế độc lập tự chủ, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, nguồn vốn đầu tư và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, tạo nền tảng cho phát triển bền vững”.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”