Phó Thủ tướng: Minh bạch phương án tính giá bán điện cho người dùng

Phương Liên

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương cần tập trung vào nhóm chính sách lớn nhất, quan trọng nhất, khó khăn nhất là phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường

Bổ sung nhiều quy định mới

Sáng nay (15/7), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Điện lực là hết sức cấp thiết. Với vai trò là cơ quan soạn thảo, Bộ Công Thương cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhận diện rõ tồn tại, yếu kém, khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực điện lực để hoàn thiện, bổ sung; tạo không gian pháp lý mới cho chính sách chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi nhằm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.

Đồng thời, áp dụng giá thị trường với mọi loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện; thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng…

Phó Thủ tướng: Minh bạch phương án tính giá bán điện cho người dùng - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực, dự thảo Luật bổ sung cơ chế xử lý các dự án chậm tiến độ; trường hợp đầu tư dự án khẩn cấp nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng; cụ thể hóa các đối tượng khi lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán điện cũng được bổ sung hợp đồng kỳ hạn điện, mua bán điện trực tiếp, sửa đổi cách tính và điều chỉnh giá bán điện. Các quy định về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia được bổ sung một số điểm mới về nguyên tắc hoạt động, liên kết với lưới điện nước ngoài, quản lý nhu cầu điện.

Cơ quan soạn thảo cũng chỉnh sửa, bổ sung một số điểm mới về giấy phép hoạt động điện lực, bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện, trách nhiệm quản lý Nhà nước…

Tháo gỡ những bất cập, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý

Tại cuộc họp, các đại biểu trao đổi, phân tích một số vấn đề lớn đang đặt ra đối với lĩnh vực điện lực.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằng những vướng mắc, bất cập liên quan đến phát triển điện lực nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để tháo gỡ thì phải được thể chế hóa cụ thể trong Luật Điện lực sửa đổi.

Trong khi đó, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng Luật Điện lực phải giải quyết hai bài toán quan trọng là đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và giá điện.

Phó Thủ tướng: Minh bạch phương án tính giá bán điện cho người dùng - 2

Các đại biểu cho rằng những vướng mắc, bất cập liên quan đến phát triển điện lực nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để tháo gỡ thì phải được thể chế hóa cụ thể trong Luật Điện lực sửa đổi (Ảnh: VGP).

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp lại thành các nhóm chính sách liên quan đến phát triển điện lực.

Bộ Công Thương cũng cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực điện lực đối với doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý Nhà nước, quy định pháp luật,… trước nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng Luật Điện lực sửa đổi cần giải quyết mối quan hệ kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng tách bạch quản lý Nhà nước với kinh doanh, sản xuất điện; tạo lập hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo và hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về năng lượng; phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi, sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh…

Trong đó, nhóm chính sách lớn nhất, quan trọng nhất, khó khăn nhất là phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh, minh bạch từ lựa chọn các nhà đầu tư dự án điện, đến phương án tính giá điện bán cho người dùng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương quan tâm đến các chính sách sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; chiến lược phát triển Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng của khu vực và thế giới; vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an toàn hệ thống, khuyến khích phát triển điện để tăng tỉ lệ huy động điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới…