Phó Thủ tướng "lệnh" siết quản lý kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu.

Thu từ xuất nhập khẩu xăng dầu thời gian tới sẽ giảm dần theo lộ trình
Thu từ xuất nhập khẩu xăng dầu thời gian tới sẽ giảm dần theo lộ trình

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Trường hợp phát sinh vướng mắc, vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tổng cục Hải quan, số thu thuế xuất nhập khẩu của toàn ngành thực hiện trong tháng 5 ước đạt 24.000 tỷ đồng. Với kết quả này, tổng thu thuế xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 116.700 tỷ đồng, đạt 41% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Mặc dù số thu ngân sách đã được cải thiện so với 2016, tuy nhiên, số thu xuất nhập khẩu thời gian tới được cho là sẽ khó khăn hơn, một phần do mặt hàng xăng dầu nhập khẩu tới đây sẽ giảm do một số nhà máy lọc dầu trong nước đi vào hoạt động.

Vấn đề gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau nổi lên từ năm ngoái khi thuế nhập khẩu xăng dầu có sự chênh lệch khi nhập về từ nhiều thị trường khác nhau.

Cụ thể, theo cam kết hội nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam áp dụng từ năm 2015 với dầu diesel và madut là 5% và từ 1/1/2016 là 0%. Ngoài ra, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10%.

Trong khi đó, theo Thông tư liên bộ Công Thương - Tài chính quy định, giá cơ sở vẫn được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu là 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madut là 10% (cao hơn thuế nhập khẩu từ một số nước từ 5-10%).

Bộ Tài chính cũng đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc... tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.

Chưa kể, hoạt động buôn lậu, trốn thuế trong xuất nhập, kinh doanh xăng dầu vẫn đáng lo ngại trong bối cảnh giá xăng dầu ở Việt Nam được cho là đang ở mức thấp so với thế giới. Cập nhật mới nhất từ Global Petrol Prices, tại ngày 29/5, giá xăng bán lẻ của Việt Nam đang đứng thứ 40 thế giới, thấp hơn 130 nước trên thế giới, trong đó thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Philippines, Campuchia, Thái Lan, Lào, Singapore,...

Phần thu thuế xuất nhập khẩu từ xăng dầu giảm theo lộ trình của các cam kết quốc tế và có hoạt động thẩm lậu xăng dầu qua biên giới là một trong những cơ sở để Bộ Tài chính vừa qua có dự thảo đề xuất nâng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít như hiện nay lên 3.000-8.000 đồng/lít.

Bích Diệp