1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phó Thủ tướng: "Không để nhóm lợi ích can thiệp chính sách thu, chi"

(Dân trí) - "Không để nhóm lợi ích can thiệp chính sách" là yêu cầu được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, nhắc nhở ngành tài chính tại hội nghị sơ kết 6 tháng. Đặc biệt, trong hoạt động miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài chính phải rà soát kỹ từ khâu xây dựng chính sách đến khâu thực hiện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại hội nghị sơ kết ngành tài chính 6 tháng đầu năm 2016.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại hội nghị sơ kết ngành tài chính 6 tháng đầu năm 2016.

Chỉ đạo tại hội nghị sơ kết ngành tài chính diễn ra ngày 2/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu yêu cầu: "Chính sách thu, chi đừng để lợi ích nhóm can thiệp, đừng vì một đối tượng, một cơ quan nào chi phối chính sách. Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp sẽ kiểm soát nghiêm ngặt chuyện này".

Đánh giá về tiến độ thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian gần đây đang xuất hiện tình trạng ngân sách Trung ương cứ hụt nhưng ngân sách địa phương thì thu khá. Với năm nay, 6 tháng đầu năm theo báo cáo, thu ngân sách mới đạt 47% dự toán trong đó thu của Trung ương chỉ đạt 42% dự toán, thu địa phương là 57%. Theo Phó Thủ tướng, cần rà soát lại cách lập dự toán hiện tại, bởi căn nguyên là xây dựng dự toán.

Việc lập, xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương phải trên cơ sở dữ liệu kinh tế xã hội, bám sát thực tiễn chứ không nên chỉ căn cứ vào số thu năm nay và một số yếu tố như lạm phát, tăng trưởng để "bấm nút" dự toán thu năm sau, như vậy sẽ khó tạo ra động lực thúc đẩy.

"Giao ngân sách kiểu này thì tỉnh nào cũng tìm cách tăng thu, phá vỡ vấn đề quy hoạch nhất là liên kết vùng", Phó Thủ tướng bày tỏ lo ngại. "Có tỉnh năm sau dự toán thu tăng 20%, 30% so với năm trước nhưng có tỉnh chỉ tăng vài phần trăm thôi, có tỉnh chả cần tăng".

Trong khi đó, để khắc phục tình trạng hụt thu ngân sách Trung ương, ngành tài chính phải "học thuộc" cẩm nang về chống thất thu, nợ đọng... Trong đó nhấn mạnh đến việc tích cực mở rộng cơ sở thuế đối với thu nội địa, kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế ở khâu hải quan - đây được cho là hai vấn đề cốt lõi của ngành tài chính.

Trong mở rộng cơ sở thuế, Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại thuế khoán. Theo đó, mục tiêu nâng hộ sản xuất kinh doanh lên doanh nghiệp càng nhiều càng tốt, đồng thời với đó là rà soát, xác định lại số thuế của hộ kinh doanh.

"Chế độ chứng từ hóa đơn, nghĩa vụ nộp thuế phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không có thái độ phân biệt về quy mô, tạo điều kiện cho mọi người dân trong đầu tư kinh doanh", Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, với bối cảnh hội nhập, nhiều dòng thuế sẽ được cắt giảm, theo đó cũng sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Do đó, ngành tài chính phải xác định hướng thu, tăng các sắc thuế khác, chẳng hạn như thuế tài nguyên để bù vào.

Lưu ý đến hoạt động chống gian lận thuế, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải rà soát, tăng cường quản lý về miễn, giảm, giãn, hoàn thuế. "Không được để lợi ích nhóm xen vào đây, từ khâu xây dựng thể chế tới lúc thực thi, bởi rủi ro nhất là lĩnh vực này", Phó Thủ tướng nói.

"Cần đảm bảo chính sách thuế đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch. Điều chỉnh chính sách nhưng phải có tính định hướng, chứ không khéo lại thành đẽo cày giữa đường", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định ngành tài chính sẽ hoàn thành dự toán thu năm nay. Bộ trưởng cho biết, ngành tài chính đã họp với 13 địa phương có điều tiết thu về Trung ương và cùng chỉ ra "từng món, từng miếng" có thể triển khai thu.

Bộ đã giao chỉ tiêu tăng thu thêm với riêng 13 địa phương này với tổng số tiền là hơn 58.000 tỷ đồng (không kể tiền sử dụng đất). Theo đó, "tổng thu ngân sách năm nay sẽ vượt dự toán như năm ngoái", ông Dũng lạc quan. Trong khi đó, với công tác chi ngân sách phải thực hiện tiết kiệm, đặc biệt là phải tùy vào "khả năng" của ngân sách.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu nội địa tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2015; thu dầu thô giảm 44,8%; thu xuất nhập khẩu giảm 2,2%.

Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán; trong đó có 45 địa phương thu đạt từ 50% dự toán năm trở lên; 57 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2015.

Chi NSNN 6 tháng ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015, cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 2.900 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, xử lý sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung.

Bích Diệp