Phó Thủ tướng: Không cứng nhắc cứ có ca F0 là đóng cửa cả nhà máy
(Dân trí) - "Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân".
Vấn đề trên được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu ra tại hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp" sáng nay (20/9). Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo một số bộ ngành, 28 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp.
Không phải cứ có ca F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy
Tại hội nghị, sau khi các doanh nghiệp nêu kiến nghị về việc chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp khi có F0, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có giải đáp.
Theo đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, cụm từ "tuyệt đối an toàn" mà doanh nghiệp băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong doanh nghiệp; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân.
"Nếu tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch như xét nghiệm hàng tuần. Việc xét nghiệm này các bộ, ngành, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, cần đưa ra hướng dẫn cụ thể", Phó Thủ tướng nói.
Giải đáp kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1. Thậm chí, xưởng đó vẫn có thể hoạt động.
Khẳng định mục tiêu của hội nghị là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vẫn phải bảo đảm an toàn cho công nhân, không để hình thành ổ dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đây là vấn đề khó trong bối cảnh chưa khống chế hoàn toàn dịch bệnh.
Qua tình hình thực tế, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp không chỉ ở một tỉnh, một địa bàn, một nhà máy mà có thể bố trí nhiều xưởng ở nhiều tỉnh, nhiều địa bàn. Do đó, việc phối hợp giữa các địa phương, khu vực là rất quan trọng", Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương thảo luận về sự phối hợp này cũng như công tác tổ chức thực hiện.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, địa phương sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
Sau khi được Phó thủ tướng giải đáp, nhiều doanh nghiệp tỏ ra vui mừng và đề xuất đẩy nhanh tiêm vắc xin cho lực lượng sản xuất trọng điểm. Ngoài ra, đại diện một doanh nghiệp công nghệ tại Thái Nguyên kiến nghị cho phép công nhân viên đã tiêm 2 mũi vắc xin được di chuyển đi làm hằng ngày từ nhà (vùng xanh) tới công ty bằng hệ thống xe buýt do công ty bố trí.
Khó khăn và thách thức của doanh nghiệp
Điểm lại tình hình các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến nay, có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%.
Trong 8 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 96.500 tỷ đồng; đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456.000 lao động nước ngoài), tăng khoảng 90.000 lao động so với cuối năm 2020.
Trong một khảo sát với 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, gần 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.
Qua phản ánh của doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt. Trong đó, khó khăn đầu tiên là chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như chi phí xét nghiệm; chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ", bà Ngọc cho hay.