Phó Thống đốc nói về “vênh” số liệu nợ xấu
(Dân trí) - Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến tháng 9/2014, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ở mức 3,8% trong khi con số mà Thống đốc báo cáo lên Thủ tướng, tỷ lệ nợ xấu đến giữa tháng 9 lại là 5,43%.
Con số nợ xấu mà các TCTD cung cấp có xu hướng giảm
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Khi Chính phủ có chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), giải quyết nợ xấu là một trong các nội dung trọng tâm được thực hiện.
Theo báo cáo của các TCTD, đến tháng 9/2014, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ở mức 3,8%, thấp hơn số liệu hồi tháng 6 là 4,17% (tháng 7 là 4,14%, tháng 8 giảm xuống còn 3,9%). Như vậy, con số nợ xấu mà các TCTD cung cấp đã có xu hướng giảm.
Trong khi đó, số liệu mà Thống đốc NHNN báo cáo lên Chính phủ tại phiên họp sáng 29/10, nợ xấu đến giữa tháng 9 là 5,43%.
Bà Hồng lý giải, trong quá trình điều hành quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động tín dụng, NHNN cũng có một kênh riêng để đánh giá số liệu nợ xấu. Con số nợ xấu này của NHNN dựa trên cơ sở thông tin tổng hợp từ Trung tâm thông tin tín dụng (CIC).
Theo quy định hiện tại, các TCTD đều thực hiện tổng hợp nợ theo thời gian. Tuy nhiên trên thực tế, quy định đánh giá nợ xấu trên quan điểm định tính còn phải dựa trên khả năng trả nợ của khách hàng. Chẳng hạn, nếu 1 khách hàng có nhiều khoản vay tại các ngân hàng khác nhau thì theo đánh giá định tính, nếu khách hàng có nợ xấu tại một TCTD thì tất các khoản nợ khác tại những TCTD khác của ngân hàng đó đều phải coi là nợ xấu.
Hay như một khoản nợ xấu được cơ cấu nhiều lần, nếu như TCTD đánh giá không phải là nợ xấu, thì với thanh tra NHNN, trên cơ sở quản lý điều hành, cần xem xét khả năng tiềm ẩn của khoản nợ đó, có thể coi là nợ xấu. Đó là lý do có sự chênh lệch trong số liệu nợ xấu mà NHNN công bố.