1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp

(Dân trí) - Chỉ đạo tại hội nghị kết nối khu vực ĐBSCL, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh tập trung nguồn vốn, mạnh dạn cho vay với các mức lãi suất hợp lý, xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp khi cho phép.

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực ĐBSCL. Trao đổi trực tiếp tại hội nghị, một số doanh nghiệp đã nêu bật một số khó khăn doanh nghiệp gặp phải như tình trạng thiếu vốn trung và dài hạn, một số doanh nghiệp mong muốn tăng hạn mức và thời hạn cho vay dài hơn. Đa số doanh nghiệp đánh giá lãi suất ngân hàng hiện khá hợp lý, song doanh nghiệp muốn cạnh tranh được với doanh nghiệp quốc tế thì mức lãi suất có thể giảm thêm.

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Trung An (Cần Thơ) cho biết, trước giờ doanh nghiệp ông không khó khăn gì trong việc vay vốn, vài năm nay mới bắt đầu khó do hạn mức đã kịch trần. Hiện công ty có 3 ngân hàng thương mại cho vay hạn mức vay 630 tỷ đồng /năm, quy mô công ty cũng ngày một lớn hơn nên nhu cầu vốn tăng mạnh.

Ông Trần Văn Phẩm - Giám đốc Công ty CP thủy sản Sóc Trăng chia sẻ: “Công ty chúng tôi có lịch sử hơn 40 năm, vay vốn ngân hàng tôi cảm nhận là rất trôi chảy. Hạn mức cho vay chúng tôi sử dụng thường không hết. Khi nào số dư nợ vay gần đến ngưỡng là tôi lo bởi phải tính toán sử dụng vốn hiệu quả".

Là doanh nghiệp có truyền thống trong ngành tôm xuất khẩu, ông Phẩm cho rằng, việc phát nuôi trồng của ĐBSCL là yếu tố then chốt quyết định đầu vào cho doanh nghiệp, là yếu tố quyết định đầu ra của cho sản phẩm. Để con tôm phát triển được thì ngành nuôi phải nâng lên tầm cao mới, giải quyết vấn đề chất lượng và giá thành là quan trọng.

Chia sẻ với những khó khăn của các ngân hàng, ông Phẩm phát biểu, ngân hàng thương mại khi thấu hiểu thì họ cũng rất khó trong vấn đề pháp luật, hình sự, tù tội, vấn đề xử lý tài sản đảm bảo, ngân hàng cần có quyền bán tài sản để giải quyết dứt điểm tránh thiệt hại chứ để lình xình, doanh nghiệp thì bỏ hoang ảnh hưởng đến cả nền nông nghiệp nói chung, ngành tôm nói riêng.


Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp khi cho phép.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp khi cho phép.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Ba - Công ty Thủy Sản Quang Minh, thời điểm khó khăn, thị trường biến động ngân hàng cũng hỗ trợ rất tích cực, cung cấp vốn kịp thời. Năm 2009 - 2010, doanh nghiệp được ngân hàng cho vay lãi suất USD bằng với lãi suất huy động của ngân hàng.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, các ngân hàng cũng cho biết sẵn sàng đối thoại, giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Một số vấn đề doanh nghiệp nêu tại hội nghị cũng được lãnh đạo cấp cao của các NHTM yêu cầu rà soát, trả lời chi tiết cho doanh nghiệp ngay sau hội nghị.

Ông Đào Hảo Phó - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay: "Vietcombank hiện có 15 chi nhánh/13 tỉnh, dư nợ trên 38 nghìn tỷ tăng hơn 8% , cao hơn mức chung của vùng. Nợ xấu của chúng tôi rất thấp nhưng nợ xấu tại ĐBSCL cao nhất trong 7 vùng trên cả nước. Tuy nhiên chúng tôi vẫn nỗ lực tiếp tục cho vay".

Ông Hảo cho biết thêm: “Chúng tôi hiện nay không gọi phòng tín dụng, mà là phòng khách hàng, chúng tôi có phòng thúc đẩy bán hàng, thực chất đẩy mạnh cho vay ra, nếu không đạt chỉ tiêu thì phải giải trình. Bên cạnh nỗ lực bán hàng nhưng vẫn phải đảm bảo làm sao không phát sinh nợ xấu. Cơ chế của chúng tôi cũng rất chặt chẽ, chi nhánh để phát sinh nợ xấu thì làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng đến lương của anh em cán bộ và giám đốc chi nhánh cũng không ngồi đó được”.

Sẵn sàng chia sẻ và tiếp tục đồng hành

Qua phản ánh của doanh nghiệp, ngân hàng, hiệp hội, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngân hàng - doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, ngân hàng tồn tại là vì sự phát triển của doanh nghiệp và sự phát triển của doanh nghiệp cũng là lý do tồn tại của ngân hàng.

Về các vấn đề đã nêu, Phó Thống đốc cho biết nguồn vốn ngân hàng luôn sẵn sàng, hiện các tổ chức tín dụng có tiền gửi về NHNN, mua trái phiếu, thanh khoản ngân hàng tốt, vậy không có lý do gì ngân hàng cất tiền không cho vay các doanh nghiệp tốt, dự án có thể cho vay được.

Phó Thống đốc cũng chỉ đạo, thời gian tới, NHNN gồm cả NHTW và NHNN chi nhánh sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh các ý kiến về cơ chế tín dụng, các chính sách ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương thức tiếp cận tín dụng phù hợp với thực tế chuyển biến của hoạt động sản xuất kinh doanh, hội nhập của các doanh nghiệp ở ĐBSCL.

Đối với vướng mắc về quy chế, chính sách cần tháo gỡ là chính sách đất đai, bất động sản, nhiều vấn đề pháp lý mong sẽ được các ĐBQH đưa ra trong các kỳ họp tới đây để tháo gỡ giúp nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản vì đây là nút thắt lớn nhất và cũng là nguyên nhân gây nợ xấu tồn đọng.

Ngành ngân hàng giữ quan điểm tiếp tục chương trình kết nối với DN, bám sát các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu kiến nghị từ người dân, khách hàng và DN để kịp thời hoàn chỉnh các chính sách cho phù hợp.

Đối với các NHTM, cần đẩy mạnh tập trung nguồn vốn, mạnh dạn cho vay, chủ động tính toán kỳ hạn để tạo điều kiện cho DN. Lãi suất các NHTM tính toán hợp lý, ổn định lãi suất, xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp khi cho phép.

Về tài sản thế chấp và các thủ tục vay thì Chính phủ đã có NQ19 và NQ 35 do vậy các NHTM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát cẩn thận để tránh phiền hà. NHNN sẽ trực tiếp kiểm tra đến tận chi nhánh NHTM và nêu tên lên truyền thông đại chúng để khách hàng đánh giá các ngân hàng, do vậy các NHTM cần nghiêm túc thực hiện.

Theo báo cáo chung về tình hình tín dụng, hoạt động ngân hàng khu vực ĐBSCL của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, huy động vốn luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Đến ngày 30/4/2017, huy động vốn của cả vùng đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với 31/12/2016 (huy động vốn toàn quốc tăng 3,38%). Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn ước đạt trên 450 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với 31/12/2016 và chiếm 7,8% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 59%, dư nợ trung dài hạn chiếm khoảng 41%, tỷ lệ cho vay trung dài hạn có xu hướng tăng và thời điểm 30/4/2017 đã tăng 5,7% so với cuối năm 2016.

Tỷ lệ nợ xấu của vùng ĐBSCL chiếm 2,4%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của khu vực. Hoạt động tín dụng những năm qua luôn đạt mức tăng trưởng khá, mặc dù huy động thấp hơn cho vay nhưng ngành ngân hàng vẫn luôn điều chuyển nguồn vốn từ các khu vực khác để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của vùng.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm