Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: Kiều bào là nguồn lực mềm quan trọng
(Dân trí) - Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, kinh doanh. Các dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào cũng tăng về cả số lượng và chất lượng.
Dự án đầu tư của kiều bào tăng cả về số lượng và chất lượng
Trong khuôn khổ "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư", chiều 22/8, đã diễn ra song song các phiên chuyên đề.
Tại phiên chuyên đề "Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đồng hành cùng đất nước", ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - chia sẻ rằng đây cơ hội các doanh nghiệp trao đổi về yêu cầu thu hút đầu tư trong tình hình mới. Ông Tuấn cũng nêu, hội nghị này là cơ hội để người Việt Nam ở nước ngoài có cái nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn và tiếp tục tin tưởng, đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường, cơ hội và thách thức đan xen, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhờ vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt nhiều kết quả trong thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thế giới.
Về đầu tư, Việt Nam hiện có khoảng 40.777 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 487,03 tỷ USD từ 147 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cũng là các quốc gia, nền kinh tế lớn như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản...
Đối với đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam có khoảng 1.750 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 22,26 tỷ USD sang 81 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tính đến hết tháng 7, 421 dự án đầu tư theo hình thức FDI của người Việt Nam tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 1,722 tỷ USD.
Trong đó, kiều bào từ Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu với số vốn là 283,4 triệu USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Mỹ với số vốn là 217,11 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư.
Theo Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, các dự án hoạt động khá hiệu quả, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, góp phần vào thành tựu tăng trưởng và phát triển ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua.
Ông Tuấn hy vọng rằng kiều bào nước ngoài sẽ tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm, tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là đề xuất vào những giải pháp cơ bản giúp phát triển những lĩnh vực then chốt, đột phá như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
"Kiều bào sẽ trở thành nguồn lực "mềm" quan trọng, đóng vai trò cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người và giá trị thiêng liêng của dân tộc đến với nước sở tại và bạn bè quốc tế, qua đó thúc đẩy giao lưu, hợp tác sâu sắc, toàn diện, không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của đất nước", ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều chính sách thuận lợi cho kiều bào đầu tư, kinh doanh
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), cũng cho biết người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng chứng tỏ được trí tuệ và tài năng của mình trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân kiều bào có trình độ, năng lực cao đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới.
"Dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu Lạc hồng của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức kiều bào sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước", Chủ tịch BAOOV chia sẻ.
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tính đến tháng 11/2023, có 421 dự án của kiều bào tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, lượng kiều hối về Việt Nam năm ngoái đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. Riêng lượng kiều hối chuyển về TPHCM tính đến hết tháng 6 đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Cộng đồng doanh nhân kiều bào là lực lượng quan trọng, cầu nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam với các nước, nguồn lực đáng kể đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trong đó, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tiêu thụ với phương châm "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", "Ở đâu có người Việt, ở đó có hàng hóa Việt", đồng thời từng bước giới thiệu, lan tỏa giá trị thương hiệu hàng hóa Việt đến người dân các nước sở tại.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cũng cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, kinh doanh và sinh sống ở trong nước như chính sách Luật quốc tịch, chính sách mua nhà, miễn thị thực, ưu đãi đầu tư...
Những chính sách này đang ngày càng phát huy hiệu quả và đem lại những tác động tích cực như đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài về nước tiếp tục tăng, quy mô của dự án ngày càng mở rộng, lượng kiều hối liên tục tăng...
Bà Hiền cho rằng việc liên kết lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước được xem là ưu tiên quan trọng bởi doanh nghiệp kiều bào sẽ góp phần quan trọng đưa văn hóa và sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường thông qua cộng đồng và hệ thống các trung tâm thương mại, chợ đầu mối... Đồng thời, kiều bào cũng sẽ góp phần giới thiệu cơ hội và đưa các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh...
"Tôi hy vọng với các chính sách ngày càng thuận lợi đối với người Việt Nam ở nước ngoài, lực lượng kiều bào và đội ngũ doanh nhân kiều bào trên toàn thế giới, sẽ tích cực thúc đẩy hoạt động đầu tư - kinh doanh với trong nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với thế giới", bà Hiền chia sẻ.