1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Phí và lệ phí sẽ minh bạch hơn

(Dân trí) - Có hiệu lực từ 1/1/2017, Luật Phí và lệ phí được cho là đã thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật có liên quan, từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí.

Cùng với các đạo luật được Quốc hội thông qua ở kỳ họp thứ 10 vừa qua, Luật Phí và lệ phí cũng đã được Văn phòng Chủ tịch nước công bố sáng nay 18/12, sau khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố.

Luật cũng khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ công, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, luật hiện hành quy định các khoản phí, lệ phí gắn với dịch vụ công do Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp. Mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do Nhà nước quy định, chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công.


Phí sử dụng đường bộ là một khoản thu được bàn bạc, tranh luận nhiều thời gian qua.

Phí sử dụng đường bộ là một khoản thu được bàn bạc, tranh luận nhiều thời gian qua.

Để đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Luật Phí và lệ phí quy định danh mục các khoản phí, lệ phí gắn với dịch vụ công do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp. Trường hợp dịch vụ đó do doanh nghiệp cung cấp thực hiện giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá.

Đáng chú ý là danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí được ban hành kèm theo luật. Theo đó quy định cụ thể thẩm quyền của 4 cơ quan ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với từng khoản phí, lệ phí.

Nguyên tắc xác định mức thu phí là một trong những vấn đề được tranh luận nhiều chiều trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Hiện các khoản phí trong danh mục kèm luật đều do cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Tuy nhiên, trong tương lai một số khoản phí có khả năng xã hội hoá cao, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp cung cấp. Do đó, tại Điều 8 Luật Phí và lệ phí quy định nguyên tắc thu phí là mức thu phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, đảm bảo công bằng, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Luật cũng  quy định rõ các đối tượng được miễn giảm là trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật…. và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Về quản lý và sử dụng phí, lệ phí, Luật quy định phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ. Phí thu từ hoạt động dịch vụ do cơ quan sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ để trang trải chi phí, thu phí trên cơ sở dự toán đã được phê duyệt, còn lại nộp Ngân sách. Phí thu từ hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ nhằm trang trải chi phí hoạt động, việc quản lý và sử dụng phí theo quy định của pháp luật.

Để khuyến khích xã hội hoá, đã có 17 sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá. Trong số này có thủy lợi phí, phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng cảng nhà ga, phí kiểm định phương tiện vận tải, phí hoạt động chứng khoán…

Việc chuyển một số loại dịch vụ công sang cơ chế giá mà khu vực tư nhân có thể tham gia được cho là sẽ phục vụ tốt hơn cho người dân.

Tuy nhiên, luật chỉ chuyển sang cơ chế giá đối với một số khoản phí mà Nhà nước không cần phải nắm giữ và có sự cạnh tranh nhằm góp phần giảm giá và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân.

Riêng đối với các dịch vụ gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước vẫn được quy định trong danh mục phí, lệ phí do Nhà nước cung cấp, mang tính chất phục vụ người dân. Một số khoản phí chuyển sang cơ chế giá nhưng để bảo đảm phù hợp với thu nhập của người dân sẽ do Nhà nước định giá hoặc dùng chính sách an sinh, bảo hiểm để hỗ trợ.

P.Thảo 

 

Phí và lệ phí sẽ minh bạch hơn - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm