Phí trước bạ giảm 50%: Mua xe nội được giảm hàng trăm triệu đồng
(Dân trí) - Việc giảm 50% phí trước bạ sẽ giúp người mua tiết kiệm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng khi mua xe nội. Giới kinh doanh xe như trút được gánh nặng và kỳ vọng, doanh số sẽ tăng trở lại.
Giá lăn bánh giảm hàng trăm triệu đồng
Thủ tướng chấp thuận về mặt chủ trương cho giảm phí trước bạ 50% đối với xe nội địa trong năm 2020 đang được hy vọng là liều "doping" ngắn có thể kích thích sự hồi phục của các hãng xe sau khó khăn của đại dịch. Theo thống kê, có rất nhiều loại xe có thể giảm giá lăn bánh đến hàng trăm triệu đồng nếu chủ trương trên đi vào cuộc sống.
Cụ thể, với chiếc Mercedes S450 hạng sang đang được lắp ráp trong nước có giá bán cao nhất 4,9 tỷ đồng, trong trường hợp phí trước bạ vẫn là 10-12%, người mua xe phải nộp thêm 490 đến 588 triệu đồng/chiếc mới có thể "lăn bánh".
Tuy nhiên, với việc Chính phủ cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước, người mua xe Mercedes S450 sẽ chỉ phải trả thêm từ 245 đến 294 triệu đồng/chiếc là được lăn bánh chiếc xe trên. Việc tiết kiệm từ vài trăm triệu đồng cho khách mua thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.
Ở các mẫu xe trong nước có giá thấp hơn, đơn cử như VinFast LuxSA2.0 giá 1,5 tỷ đồng phiên bản cao cấp nhất, khách hàng mua thời điểm giảm 50% phí trước bạ sẽ có khoản tiền tiết kiệm là 75 đến 90 triệu đồng/chiếc.
Với mẫu Hyundai SantaFe bản cao cấp nhất hiện có giá bán 1,25 tỷ đồng, nếu mua vào thời điểm giảm 50% phí trước bạ, chắc chắn người mua được lợi từ 62 đến gần 75 triệu đồng/chiếc so với thời điểm trước kia.
Ưu thế cạnh tranh cho xe trong nước
Việc giảm 50% phí trước bạ còn có ý nghĩa giúp các xe sản xuất trong nước có ưu thế cạnh tranh hơn so với xe nhập khẩu. Các mẫu xe có doanh số cao hiện nay như Toyota Vios, Innova, Kia Morning, Cerato, Mazda 3, CX5, Hyundai i10, Accent, Tucson... sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Đơn cử với mẫu Kia Morning và Hyundai i10, nếu khách mua trong thời điểm phí trước bạ giảm 50% sẽ có từ 20 đến 40 triệu đồng/chiếc (tùy theo phiên bản) so với các mẫu xe Honda Brio hay Toyota Wigo nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia.
Tương tự, Toyota Innova hiện có giá bán bản thấp nhất là 690 triệu đồng, bản cao nhất hơn 970 triệu đồng. Với mức phí trước bạ cũ 10-12%, giá xe lăn bánh rơi vào khoảng 760 triệu đến gần 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu phí trước bạ giảm 50%, người mua xe chỉ phải trả chỉ khoảng 724 triệu đồng đến tối đa hơn 1 tỷ đồng/chiếc.
Việc phí trước bạ giảm đối với Innova thực sự có ý nghĩa bởi mẫu xe lắp ráp trong nước này đang rất khó để cạnh tranh với các đối thủ như Mitsubishi Xpander hay Suzuki XL7 đang có mức giá rất cạnh tranh và có nội, ngoại thất trẻ trung, năng động và hợp thời trang hơn mẫu xe lắp ráp trong nước.
Ngoài ra, việc giảm phí trước bạ 50% sẽ giúp các mẫu xe như Mazda 3, Hyundai Accent, Kia Cerato có ưu thế cạnh tranh hơn so với các mẫu xe nhập của Honda Civic, Mitsubishi Attrage. Bên cạnh đó, các mẫu như Mazda CX5, Hyundai Tucson sẽ có ưu thế cạnh tranh so với các mẫu xe nhập như Honda CRV hay Toyota Rush....
Về chính sách giảm giá xe hơi này, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia phân tích tài chính: "Việc giảm thuế phí có thể chỉ tác động nhất thời chứ không tạo ưu thế đặc biệt đối với thị trường. Các mẫu xe nhập khẩu sẽ không ngồi yên nhìn các dòng xe trong nước vượt mặt. Cạnh tranh về giá sẽ khiến các hãng xe dồn nhau đến giới hạn và không ai mong muốn cả".
Thực tế, thị trường xe Việt Nam chưa bóc tách rõ ràng thị trường xe nhập và xe lắp ráp bởi có nhiều hãng xe vừa lắp ráp vừa nhập khẩu như Honda, Toyota, Ford, Mercedes, Thaco. Chính vì để cân bằng lợi nhuận, doanh thu, các hãng xe khó có thể giảm giá thêm các dòng xe trong nước để ảnh hưởng thêm các mẫu xe nhập được, vì vậy, việc giảm giá trong thời gian tới có thể không còn nữa.
Nguyễn Tuyền