Miễn 50% phí trước bạ: Đại lý lo "cháy hàng", dân lo giá xe tăng trở lại
(Dân trí) - Nếu người dân đổ xô đi mua xe hơi sau khi có thông tin giảm phí trước bạ 50%, các hãng xe trong nước lo sẽ "cháy hàng" và thậm chí, giá có thể tăng trở lại nếu thiếu xe.
Nhiều đại lý xe hơi tại Hà Nội khuyên người có nhu cầu mua xe hơi nên mua ngay hoặc đặt cọc giao xe vào thời gian nhất định, tránh việc quá đông người cùng đổ xô mua xe, thiếu hụt nguồn cung dẫn đến giá xe tăng.
Khảo sát của phóng viên Dân Trí tại một số gara lớn tại Hà Nội cho thấy, hoạt động mua bán xe hơi vẫn khá trầm lắng dù Thủ tướng vừa cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước. Đa số khách hỏi thông tin giảm phí trước bạ nhiều hơn là quyết định đặt mua xe.
Các đại lý xe trong nước hiện cũng giảm giá mạnh với các mẫu xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, sắp tới có thể các mẫu xe này sẽ không giảm giá nữa vì phí trước bạ đã giảm rồi và đại lý muốn có lãi kinh doanh sau mấy tháng vật lộn với khó khăn.
Theo quy định, người mua xe hơi phải nộp lệ phí trước bạ trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm có hợp đồng mua xe hơi. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên người dân nên bắt đầu mua xe để tránh cảnh chờ đợi, thậm chí thiếu xe do các doanh nghiệp xe hơi trong nước vừa trải qua thời điểm dừng sản xuất, sản lượng thiếu hụt.
Giám đốc chi nhánh kinh doanh xe hơi của một hãng xe trong nước cho biết, đại lý đang phải thay đổi sau khi nhận được tin Chính phủ đồng ý cho giảm phí trước bạ. Tuy nhiên, thời hạn hiệu lực của quyết định này vẫn đang chờ Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ban ngành (cụ thể là Bộ Tài chính).
“Chắc chắn việc ban hành các văn bản pháp quy như Quyết định, Thông tư sẽ phải ra sớm. Việc giảm phí trước bạ 50% chỉ trong năm 2020, tức là chỉ còn áp dụng 8 tháng nữa. Từ thời điểm này, đại lý chúng tôi đã thực hiện các hợp đồng đặt cọc, giao xe theo thời gian của khách hàng. Người dân nếu có nhu cầu mua xe, nên mua sớm để tránh cảnh phải chờ đợi”, chủ đại lý xe tại Hà Nội cho biết.
Theo một doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam, ngay khi mở cửa hoạt động trở lại, các hệ thống đại lý ủy quyền, kinh doanh ô tô đã phải sử dụng tất cả các chiêu thức để lôi kéo khách hàng, trong đó đặc biệt là giảm giá bán.
“Các điểm bán hàng đang cạnh tranh bằng giá khiến mức giá xuống thấp kỷ lục. Áp lực hàng tồn, áp lực quay vòng, dòng tiền,… khiến đại lý chấp nhận bán hòa, thậm chí là bán lỗ, miễn sao giảm được hàng tồn kho. Nhiều đại lý chấp nhận không lợi nhuận để duy trì an toàn cho hệ thống”, đại diện truyền thông của doanh nghiệp lắp ráp xe lớn tại Việt Nam cho hay.
Tuy nhiên, theo đại diện của doanh nghiệp này, nguồn cung xe sản xuất, lắp ráp trong nước có thể bị thiếu hụt vào quý 3, quý 4 năm 2020 do linh phụ kiện nhập về vẫn khó khăn.
“Khi nguồn cung bị giảm, chắc chắn các đơn bị bán lẻ sẽ phải chủ động điều tiết lại mức giá đảm bảo lợi nhuận sau thời gian xả hàng tồn”, đại lý xe hơi cho biết.
Thực tế, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xe hơi, quyết định này của Chính phủ không đồng nghĩa với việc giảm giá xe mà nó chỉ làm giảm tổng chi phí khi khách hàng sở hữu xe.
Và quyết định này cũng không khiến doanh số bán xe tăng mạnh nhưng sẽ là làn sóng chuyển dịch mua xe nhập khẩu sang xe sản xuất, lắp ráp, và thay đổi thời điểm ở hữu xe người tiêu dùng. Và sẽ giúp cân bằng hơn cung cầu thị trường, mang lại giá trị cho cả người mua lẫn người bán.
Tuy nhiên, đoán trước việc khách hàng sẽ có lợi từ vài chục, đến cả trăm triệu đồng/chiếc xe khi giảm phí trước bạ, nên về sau các đại lý sẽ không kích cầu bằng việc giảm giá xe nữa mà thậm chí giá còn có thể tăng nếu thiếu nguồn cung.
Vì vậy, theo chuyên gia này, đây là "thời điểm vàng" mua xe nhằm tận dụng cả lợi thế giá xe giảm và phí trước bạ được miễn.
Nguyễn Tuyền