Phí tiền mặt: Chỉ béo ngân hàng!

"Thế thì càng tốt”, anh Phong, một kỹ sư 31 tuổi đang sống và làm việc tại TP.HCM, cho biết suy nghĩ của anh về dự thảo Nghị định vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố liên quan đến việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, một số giao dịch mua bán có giá trị lớn như bất động sản, xe gắn máy, ôtô, chứng khoán sẽ phải được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.
 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Anh Phong đang sử dụng thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ của 5 ngân hàng khác nhau và thường xuyên dùng các thẻ này để trả tiền mua hàng hóa và dịch vụ. Do đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt có vẻ như mang lại nhiều lợi ích cho anh.

Dự thảo này có thể xem là đúng về mặt định hướng hoạt động thanh toán trong nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Khi các hoạt động kinh doanh trở nên nhộn nhịp hơn, doanh nghiệp và người dân sẽ phải dựa ngày càng nhiều vào các dịch vụ thanh toán tiện lợi của ngân hàng để giảm bớt chi phí và thời gian.

“Ở nhiều nước, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến. Thanh toán một món hàng có giá trị nhỏ, người dân cũng dùng thẻ tín dụng”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết.

Việc giao dịch qua tài khoản ngân hàng cũng sẽ giúp minh bạch và lưu trữ thông tin tốt hơn, có thể kiểm soát dòng tiền đầu tư hiệu quả hơn. Theo thống kê vào cuối tháng 10.2012 của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền mặt đang lưu thông trong nền kinh tế Việt Nam khoảng gần 400 ngàn tỉ đồng, tương ứng 13,56% GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2012. Đây là mức khá cao so với tỉ lệ 11% (năm 2009) của Thái Lan hay 7,5% của Malaysia.

Lượng tiền mặt lớn như thế ít nhiều đã gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như bảo quản của các ngân hàng. Số lượng tiền mới hằng năm dùng để thay thế cho các đồng tiền bị rách, cũ, chẳng hạn, hẳn là không ít.

Không ai có thể phủ nhận tính tiện lợi của thanh toán không dùng tiền mặt. Xét theo khía cạnh này, dự thảo ra đời đáng ra phải được hoan nghênh. Tuy nhiên, hoan nghênh thì ít, băn khoăn thì nhiều.

Trước khi dự thảo ra đời, các giao dịch bất động sản, chứng khoán và cả việc mua bán ôtô hầu hết đều được thực hiện qua tài khoản ngân hàng. Tuy vậy, đối với những giao dịch có giá trị nhỏ hơn nhiều như xe gắn máy liệu có nên đưa vào đối tượng được điều chỉnh?

Theo dự thảo, nếu giá trị mua bán xe gắn máy vượt hạn mức cho phép thì sẽ không được thanh toán bằng tiền mặt. Thế nhưng, hạn mức là bao nhiêu thì dự thảo chưa đề cập đến.

Giá cả các hàng hóa thường xuyên biến động, giảm nhanh nhưng cũng có thể tăng rất nhanh. Áp dụng một hạn mức cố định như thế sẽ rất bất lợi cho công tác quản lý.

Hơn nữa, người dân Việt Nam vẫn có thói quen tích trữ tài sản bằng tiền mặt, một phần vì muốn thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt khi mua hàng, một phần vì nhiều người vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là người ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, chỉ có khoảng 20% dân số có tài khoản ngân hàng. Số lượng máy ATM trên cả nước tính đến quý II/2012 là 14.029 máy; mỗi máy phải phục vụ cho hơn 6.000 người, một con số không nhỏ. Ở một thống kê khác của Ngân hàng Thế giới năm 2010, tỉ lệ số lượng chi nhánh ngân hàng thương mại phục vụ cho 100.000 người dân trưởng thành của Việt Nam chỉ đạt 3,3, trong khi con số này của Thái Lan lên đến 11,15, còn ở Mỹ thì tới 35,7.

Do đó, khả năng tiếp cận hạn chế các dịch vụ ngân hàng là thách thức lớn nhất đối với tính hiệu quả của Nghị định này. “Tôi từng biết một cô giáo ở Hà Giang phải mất khoảng 1 ngày để có thể đến được một phòng giao dịch ngân hàng”, ông Doanh chia sẻ.

Mặt khác, chưa nhiều người biết các dịch vụ như thẻ tín dụng, giao dịchđiện tử để có thể hiểu được lợi ích của các phương tiện thanh toán này. Khả năng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước cũng là câu hỏi phải đặt ra nếu Nghị định này được thực thi. Có những giao dịch qua ngân hàng như cá cược bóng đá vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả thì trên một bình diện rộng hơn, liệu Ngân hàng Nhà nước có quản lý được?

Với những hạn chế của hệ thống ngân hàng cũng như người dân thiếu thông tin, việc áp dụng Nghị định dường như chưa phải lúc.

“Việc này cần phải có lộ trình. Các ngân hàng phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân, cho họ thấy được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn, biểu phí phải được xây dựng theo hướng giảm nếu khách hàng thanh toán với giá trị lớn”, ông Doanh nói.

Trên thực tế, đây là việc mà chưa nhiều ngân hàng thực hiện được. Dịch vụ rút tiền nội mạng ATM là một ví dụ. Kể từ ngày 1.3.2013 các ngân hàng đã được bật đèn xanh thu phí không quá 1.000 đồng/giao dịch và mức phí này nhiều khả năng sẽ được tăng lên vào các năm sau.
 
Theo Thanh Sơn
Nhịp cầu Đầu tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm