1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cấm dùng tiền mặt mua ô tô, xe máy: Nhiều "chiêu" lách công khai

"Con BMW X5 tôi đang sử dụng giá niêm yết 5 tỷ đồng, nhưng khi mua cửa hàng xuất hóa đơn chỉ với 3 tỷ đồng. Nhưng nếu quy định buộc phải chuyển khoản, thì đại lý vẫn lách được".

Dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt quy định, mọi người dân không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô, bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức. Mục đích quy định này nhằm phòng, chống tình trạng tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, tiền giả... Nhưng liệu dự thảo này có thực sự khả thi khi việc sử dụng tiền mặt đã trở thành một thói quen khó xóa bỏ?

Một chuyên viên cao cấp của ngân hàng thương mại cho rằng, quy định không giao dịch bằng tiền mặt sẽ góp phần hạn chế tình trạng trốn thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ví dụ trước đây trong hợp đồng, hóa đơn mua bán ô tô, xe máy, nhà cửa... đều thấp hơn rất nhiều so với giá trị giao dịch thực.

Chẳng hạn chiếc xe máy được bán ra với giá 40 triệu, nhưng trong hóa đơn cửa hàng chỉ ghi từ 20 triệu đồng trở xuống nhằm mục đích trốn thuế. Nếu các giao dịch phải thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng sẽ hạn chế tình trạng trốn thuế kiểu này. Vẫn với chiếc xe máy kể trên, nếu chỉ thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng 20 triệu đồng, thì chủ cửa hàng sẽ rất khó giải trình nguồn tiền 20 triệu còn lại từ đâu ra.

Nhiều ý kiến khác nhau với quy định không dùng tiền mặt mua ô tô. Ảnh VNN

Nhiều ý kiến khác nhau với quy định không dùng tiền mặt mua ô tô. Ảnh VNN

Tuy nhiên anh Tuân cũng đưa ra nhận định việc triển khai sẽ rất khó khả thi. Thứ nhất do văn hóa dùng tiền mặt của người dân rất khó thay đổi. Thứ hai doanh nghiệp sẽ có nhiều cách để "lách luật", thậm chí có cán bộ thuế còn "chỉ đường" cho họ trốn thuế. Thực tế hiện nay hầu hết doanh nghiệp đều đang tồn tại hai dạng sổ sách khác nhau.

Ở góc độ người tiêu dùng, tâm lý người dân muốn thanh toán nhanh gọn, không mất quá nhiều thời gian đi lại, càng không muốn mất thêm chi phí.

"Theo cách thanh toán bằng tiền mặt, tôi sẽ trả tiền ngay tại cửa hàng rất nhanh gọn. Nhưng nếu phải chuyển khoản tôi sẽ phải mất công ra ngân hàng, rồi còn mất cả chi phí chuyển khoản nữa" – Chị Linh (ở Trương Định, Hà Nội) nói.

Khác với xe máy, đối tượng đẳng cấp hơn là người đi ô tô lại muốn thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Ở góc độ doanh nghiệp, tất cả các khoản chi từ 20 triệu đều phải thanh toán bằng chuyển khoản, đương nhiên khi mua ô tô họ sẽ phải thực hiện giao dịch qua kênh này. Nhưng với danh nghĩa cá nhân, nhiều người cũng muốn thực hiện theo chủ trương này.

Gia đình đang sở hữu hai chiếc ô tô nên anh Phạm Đình Thắng (khu đô thị mới Linh Đàm, Hà Nội) biết khá rõ kẽ hở trong việc trốn thuế ô tô. Theo anh Thắng, với những dòng xe nhập khẩu thường được các chủ cửa hàng kê khai rất thấp so với giá trị thực nhằm mục đích trốn thuế tiêu thụ đặc biệt. "Con BMW X5 tôi đang sử dụng giá niêm yết 5 tỷ, nhưng khi mua cửa hàng xuất hóa đơn chỉ với 3 tỷ đồng. Như vậy đại lý đã trốn được thuế, còn nhà nước bị thất thoát nguồn thu".

Nếu làm thật nghiêm theo dự thảo mới quy định, tình trạng trốn thuế sẽ giảm đi, mặt khác có thể kiểm soát được thu chi hàng năm của cá nhân thông qua chứng minh thư hoặc mã số thuế. Tuy nhiên anh Thắng vẫn tỏ ra băn khoăn vì có thực hiện triệt để và nghiêm túc không, hay quy định đưa ra cũng lại chỉ như ném đá ao bèo (?!).

Tuy nhiên ở góc độ người bán, ông Nguyễn Đức Việt, đại diện một tổng đại lý Mercedes-Benz miền bắc và miền trung lại tỏ ra quan ngại, vì chủ trương trên sẽ gây phiền hà hơn cho người tiêu dùng. Ông Việt phân tích, nếu người dân chuyển khoản trong cùng một hệ thống thì chỉ 5 – 10 phút tiền sẽ về, người mua có thể lấy xe ngay. Nhưng nếu khác hệ thống và không bị trục trặc gì thì phải sau ít nhất 4 tiếng tiền mới về tài khoản công ty, lúc đó mới giao xe cho người mua được. Nhưng nếu ngân hàng gặp trục trặc thì việc nhận xe của người dân cũng trục trặc theo.

"Ngoài mất công chờ đợi, người dân sẽ phải mất chi phí chuyển khoản. Mà tâm lý của người dân mình lại thích nhanh gọn và đỡ tốn kém. Vì thế quy định này gây phiền hà cho người mua xe và khó khả thi" – ông Việt nhấn mạnh.

"Chẳng biết ngân sách nhà nước có tăng lên không, nhưng rõ ràng với việc cấm giao dịch bằng tiền mặt, phía ngân hàng sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Còn với người dân – để không tiếp tay cho việc trốn thuế, họ sẽ phải gánh chịu thêm một khoản kinh phí khác", một chủ đại lý xe nhận định.

Theo Nguyễn Dũng
Infonet