Phi công Vietnam Airlines “hết thời” nhận lương 300 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Dịch Covid-19 “truy quét” khiến toàn bộ phi công ngoại mà Vietnam Airlines thuê bay với mức lương hơn 300 triệu đồng/tháng bất ngờ phải “xách vali về nước”, phi công nội cũng phải nghỉ luân phiên.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện có tổng số 1.200 phi công, trong đó có 300 phi công thuê nước ngoài với mức lương từ 15.000 - 16.000 USD/người/tháng (tương đương hơn 300 triệu đồng/tháng); mức lương phi công bình quân hãng này chi trả là 11.000 USD/người/tháng (tương đương hơn 200 triệu đồng/tháng).
Theo lãnh đạo Đoàn bay Vietnam Airlines, từ khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và Việt Nam phải “đóng cửa” đường bay, các phi công nước ngoài đã được cho nghỉ không lương 2 -3 tuần/tháng.
Hiện tình hình dịch lây lan ngày càng nghiêm trọng khiến hãng phải tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh tay hơn là tạm dừng khai thác toàn bộ mạng bay quốc tế, vì vậy khoảng 300 phi công nước ngoài của hãng đã phải nghỉ việc không lương để về nước.
Với nội địa, đây đang là thị trường duy nhất duy trì hoạt động của hãng hàng không, tuy nhiên tần suất bay và sản lượng khai thác đã giảm tới 30-40% so với thời kỳ trước khi xảy ra dịch Covid-19. Vì vậy, phi công trong nước cũng đang phải đối diện với khủng hoảng việc làm.
“Các phi công Việt Nam đang phải nghỉ kế hoạch 2 tuần/tháng và nhận 1/2 mức lương so với trước kia. Một số phi công xin nghỉ không lương tới khi hãng khôi phục khai thác bay” - lãnh đạo Đoàn bay cho biết.
Có thể nói, thời kỳ đỉnh cao của Vietnam Airlines là năm 2019 khi khai thác và vận hành hơn 100 máy bay, lực lượng phi công 1.200 người (số lượng phi công Việt Nam của hãng chiếm khoảng 75%), kỹ sư máy bay khoảng 2.500 người, tiếp viên hàng không 3.000 người. Đây cũng là hãng hàng không Việt Nam duy nhất khai thác bay thẳng tới châu Âu, Úc, bay liên danh tới Mỹ và một số thị trường khác.
Cần phải nói thêm rằng, cho đến nay, Vietnam Airlines là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới cùng lúc 2 dòng máy bay hiện đại nhất là Airbus A350 và Boeing 787. Các “siêu máy bay” được hãng này khai thác chủ yếu trên các đường bay trọng điểm tại thị trường châu Âu, Đông Bắc Á, Úc và đường trục Hà Nội - TPHCM.
Sau 2 tháng chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, Vietnam Airlines đang đối diện với cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước tới nay. Hãng này vừa công bố sẽ dừng khai thác toàn bộ mạng bay quốc tế đến ngày 30/4/2020, mạng nội địa hiện đã bị sụt giảm 60% sản lượng khai thác.
Ứng phó với dịch Covid-19, Vietnam Airlines phải thực hiện giải pháp chống dịch chưa từng có trong lịch sử là giảm lương lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị. Trong đó, lãnh đạo Tổng Công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên áp dụng nghỉ luân phiên để giảm lương.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, sản lượng khai thác tháng 3/2020 của hãng giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến trong tháng 4 - khi tạm dừng khai thác tất cả các đường bay quốc tế thì sản lượng giảm từ 80-85%.
“Những kịch bản ứng phó với Covid-19 xây dựng trước đó cho đến nay đã thay đổi hoàn toàn. Nếu tình hình không được cải thiện thì dự kiến trong 3 tháng tới Vietnam Airlines chỉ đạt 10-15% sản lượng toàn mạng bay” - lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin.
Được biết, 60% máy bay của Vietnam Airlines đang phải nằm “đắp chiếu” vì dừng khai thác. Trước đây, mỗi ngày hãng này khai thác 420 chuyến bay, nhưng nay số lượng chuyến bay giảm xuống chỉ còn trên dưới 200 chuyến/ngày. Đáng nói, trên các chuyến bay, tỷ lệ khách lấp đầy chỗ cũng chỉ đạt 50-60%.
Liên quan đến dịch Covid-19, Bamboo Airways đã dừng khai thác bay tới Hàn Quốc.
Vietjet Air thông báo từ 20/3 sẽ tạm dừng khai thác khai thác các đường bay đến và đi từ các nước trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Indonesia. Hãng này cũng đã “đóng cửa” các đường bay tới Trung Quốc, Hàn Quốc trước đó. Hiện duy nhất đường bay tới Nhật Bản hãng này vẫn đang khai thác.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
Châu Như Quỳnh