Làm giàu không khó:
"Phế nhân" vắt hàng trăm triệu đồng từ đất cằn sỏi đá
(Dân trí) - Bị liệt cả hai chân, tưởng rằng phần đời còn lại của anh chỉ còn biết đến chiếc xe lăn nhưng bằng nghị lực và ý chí, anh đã xây dựng cho mình một cơ nghiệp đem về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhắc đến Dương Đồng (SN 1984) tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thì không một ai trong xã là không biết. Bởi không chỉ sự thiệt thòi, kém may mắn mà còn vì anh có một nghị lực phi thường, ý chí không bao giờ đầu hàng số phận.
Số phận nghiệt ngã
Đồng vốn là một người sinh ra và lớn lên bình thường như bao người khác. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh quyết định đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với mong muốn thoát nghèo.
“Lúc đó bạn bè tôi ai cũng chọn các trường đại học để đi thi nhưng tôi thì không. Tôi quyết định đi lao động nước ngoài để dành dụm một số vốn rồi về quê làm ăn”, anh Đồng cho biết.
Nói là làm, anh vận động bố mẹ, anh em họ hàng vay mượn một ít tiền để làm hành trang. Và Đài Loan là nơi anh chọn để “khởi nghiệp”. Đầu năm 2004, anh bay sang Đài Loan mang theo nhiều hoài bão, khát vọng.
Nhưng số phận đã không mỉm cười với anh. Khi mới sang được hơn 1 năm, anh bị tai nạn trong lúc làm việc. Đôi chân anh bị liệt hoàn toàn.
Trở về trong đau đớn, tuyệt vọng, vậy là bao mơ ước, hoài bão đã tan biến. Từ đây, cuộc đời anh chỉ còn lại chiếc xe lăn để làm bạn.
“Lúc đó, trong nhà ai cũng thương cho tôi, nhưng không ai trách móc một lời. Mà trái ngược lại, mọi người luôn bên tôi, động viên”.
Chính tình yêu thương, động viên, an ủi của bố mẹ, những người thân trong gia đình, bạn bè, làng xóm đã tiếp thêm sức mạnh cho anh.
Quyết không đầu hàng số phận, với suy nghĩ “tàn nhưng không phế” anh tiếp tục xây dựng hoài bão làm giàu. Nhưng bây giờ là làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh bắt đầu lên mạng Internet tìm kiếm về các mô hình trang trại, điều kiện tự nhiên ở các vùng và chọn những mô hình phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Và cuối cùng anh quyết định làm trang trại theo kiểu mô hình V-A-C.
“Triệu phú” trên đất nghèo
Năm 2013, mặc cho mọi người trong gia đình hết sức phản đối, bởi với thân thể tàn tật như Đồng không thể làm những việc nặng nề như thế được, anh vẫn tiếp tục thực hiện hoài bão của mình.
Anh chăm sóc những con vật nuôi như những đứa con của mình
Không nản chỉ, mà trái ngược lại Đồng càng quyết tâm thực hiện. Anh muốn cho tất cả mọi người biết, không có gì là không thể thực hiện, chỉ cần có tình yêu, đam mê và sự quyết tâm theo đuổi.
Anh lấy hết những đồng dành dụm được bấy lâu nay rồi vay mượn thêm để thuê một vùng đất ở thôn Phú Long, xã Kỳ Phú để làm trang trại.
“Vùng đất này trước người ta bỏ không vì đất cằn, sỏi đá không thể nào trồng trọt sản xuất. Nhưng tôi thấy ở đây vừa có đồi núi, vừa có hồ nên việc làm trang trại rất thuận lợi”, Đồng chia sẻ.
Anh đã vạch sẵn cho mình một kế hoạch cụ thể. Ban đầu, anh nuôi chim bồ câu, nuôi gà. Theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Sau những đợt thu hoạch ban đầu anh đã bắt đầu có lãi.
Rồi dần dần anh mở rộng quy mô trang trại. Anh vay vốn đầu tư, làm chuồng nuôi lợn, rồi đào ao thả cá kết hợp theo mô hình V-A-C.
Sau hơn 2 năm miệt mài, giờ anh đã tạo được một cơ ngơi khiến ai cũng phải nể phục. Hiện nay, trang trại anh đang nuôi hơn 200 con bồ câu Pháp, hàng ngàn con gà, 8 con heo nái, hơn 80 con heo thịt và hơn 2 héc ta ao cá với đủ các loại…. Mỗi năm sau khi trừ các chi phí, trang trại mang về thu nhập cho anh gần 200 triệu đồng.
“Giờ nhìn lại thành quả lao động của mình tôi rất vui. Tôi cũng không tin là mình làm được”, anh Đồng vui vẻ nói.
Không những làm giàu cho chính mình, anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho bà con về cách làm trang trại và đặc biệt là cung cấp giống và chỉ cách chăn nuôi bồ câu Pháp sao cho hiệu quả. Trang trại của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động trong địa phương.
“Tôi thường liên hệ với các nhà hàng, công ty để tiêu thụ sản phẩm. Nhờ uy tín và chất lượng nên được các đối tác tin tưởng. Sắp tới tôi còn mong muốn mở rộng trang trại để tăng thêm thu nhập và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con trong làng", anh Đồng cho biết.
Xuân Sinh