Phê duyệt khoản vay 350 triệu USD nâng cao hiệu quả đầu tư công

(Dân trí) - Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt khoản vay 350 triệu USD để nâng cao hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam thông qua việc cải tiến 4 giai đoạn của chu trình đầu tư: lựa chọn dự án, thực hiện dự án, quản lý tài chính và giám sát dự án.

Phê duyệt khoản vay 350 triệu USD nâng cao hiệu quả đầu tư công - 1
Nhiều dự án đầu tư công chưa hiệu quả (ảnh minh họa).
 
Trong số đó, khoảng 262,7 triệu USD là nguồn vốn của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), phần còn lại (87,3 triệu USD) là khoản vay của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD).

 

Khoản vay này là một phần trong loạt chương trình Cải cách Đầu tư công tại Việt Nam nhằm giúp Việt Nam tránh các tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng. Khoản vay đầu tiên 500 triệu USD nằm trong chuỗi hoạt động này đã được Ngân hàng Thế giới thông qua vào tháng 12/2009.

 

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu: “Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu rất lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng những năm tới. Việc cải tiến các quá trình thực hiện dự án sẽ đóng một vai trò chủ chốt nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động đầu tư công.

 

Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục chương trình cải cách của mình, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước, nhằm đạt được hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư Nhà nước.”

 

Mục tiêu tổng quan của chương trình là nhằm hỗ trợ một loạt các biện pháp chính sách được dự kiến sẽ tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công tại Việt Nam.

 

Chương trình này đặc biệt tập trung vào giai đoạn thực hiện và quản lý tài chính của các dự án đầu tư công, bao gồm các vấn đề về kiểm soát tác động môi trường, minh bạch hóa trong đấu thầu, mâu thuẫn về lợi ích, giải quyết tranh chấp, quản lý môi trường, chế độ báo cáo và kiểm tra, chi phí hành chính, ngân sách cho môi trường, thanh toán và giải ngân, trợ cấp và bảo lãnh, theo dõi và đánh giá.

 

Chương trình này cũng tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam thông qua xây dựng khung pháp lý cơ bản cho các dự án hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân (PPP).

 

Qua kết quả giám sát, đánh giá tổng thể về đầu tư năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây, thì tình trạng chậm tiến độ thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước còn khá lớn, dù so với các năm trước đã giảm nhiều. Cụ thể, trong số 34.607 dự án đang thực hiện đầu tư, thì có tới 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ.

 

Nguyên nhân chủ yếu do việc chậm giải phóng mặt bằng (1.345 dự án, chiếm 3,89% tổng số dự án thực hiện), nhưng không ít trong số này là do năng lực của chủ đầu tư, từ ban quản lý dự án và các nhà thầu yếu kém (chiếm 685 dự án, tỉ lệ 1,98%); do thủ tục đầu tư (535 dự án, chiếm 1,55%); do chậm bố trí vốn (500 dự án, chiếm 1,44%) và nhiều nguyên nhân khác (727 dự án, chiếm 2,1%).

 

Thảo Nguyên