Phát mại tài sản Trầm Bê, Sacombank cho trả chậm gần 8.300 tỷ đồng trong… 7 năm
(Dân trí) - Để thu hồi nợ liên quan đến nhóm Trầm Bê, Sacombank đã thực hiện đấu giá 3 lô đất ở Long An với tổng giá trị 9.200 tỷ đồng, nhận đặt cọc 920 tỷ đồng (tương ứng 10%), còn lại được thanh toán trả chậm trong 7 năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán vừa được Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB) công bố cho thấy, trong năm 2017, Sacombank phát sinh 8.280 tỷ đồng khoản phải thu từ tài sản nhận cấn trừ nợ.
Theo thuyết minh của Sacombank, các khoản phải thu này liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo tại Khu công nghiệp Đức Hoà III, tỉnh Long An đã được Sacombank đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác vào cuối tháng 12/2017.
Tổng giá trị hợp đồng là 9.200 tỷ đồng và khoản tiền đặt cọc mà Sacombank đã nhận được là 920 tỷ đồng. Số tiền còn lại 8.280 tỷ đồng được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm, ân hạn 2 năm đầu, phí trả chậm là 7,5%/năm.
Để thu hồi tiền nợ, Sacombank đã phải mất tới 3 lần rao bán mới đấu giá thành công nhóm tài sản này và giá khởi điểm đã phải hạ 10% từ mức gần 10.000 tỷ đồng xuống 9.089 tỷ đồng.
Tài sản thứ nhất được đấu giá là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An với tổng diện tích 3,7 triệu m2 của chủ đầu tư CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ tầng Khu công nghiệp Sài Gòn Long An và một phần của CTCP Đầu tư AMIC. Giá khởi điểm được đưa ra là 3.641 tỷ đồng. Trước đó, lô đất này từng được Sacombank rao với giá hơn 4.000 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá thứ hai là Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An với tổng diện tích 2,7 triệu m2, giá khởi điểm là 2.850 tỷ đồng (trước đó được rao với giá 3.132 tỷ đồng). Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, CTCP Long “V”, CTCP Phát triển Long Đức – ILD và CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây.
Tài sản thứ ba là Quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long An có giá khởi điểm 2.598 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 2,7 triệu m2. Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Đức Hòa III – Resco và một phần của CTCP Đầu tư AMIC.
Các tài sản này được biết đều có liên quan đến ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Sacombank.
Phát biểu trên truyền thông, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank từng cho biết, ông Trầm Bê liên quan đến khoản nợ 43.000 tỷ đồng tại Sacombank, trong đó 33.000 tỷ đồng liên quan bất động sản và khoản nợ cổ phiếu là 10.000 tỷ đồng.
Cùng với khoản nợ tài sản bảo đảm là cổ phiếu, lãnh đạo Sacombank tự tin “khả năng thu hồi các khoản nợ này là 100%, bởi các khách hàng vay đều đang rất có thiện chí hợp tác và tất cả các khoản vay đều có tài sản bảo đảm là bất động sản và cổ phiếu STB của Sacombank”. Lúc đó, ông Minh nhận định, mất khoảng 3 năm để thu hồi hết số nợ này.
Cũng tại báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán vừa công bố, Sacombank ghi nhận 6.209,6 tỷ đồng tài sản nhận cấn trừ nợ tại ngày 31/12/2017. Các tài sản nhận cấn trừ nợ này đang trong giai đoạn hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu hoặc đang trong kế hoạch xử lý để thu hồi nợ. Trong số này bao gồm 5.679,3 tỷ đồng là các tài sản cấn trừ nợ tiếp nhận từ Southern Bank.
Các khoản phải thu từ các hợp đồng mua và cam kết bán lại chứng khoán là 2.039,7 tỷ đồng. Khoản này liên quan đến các hợp đồng mua và cam kết bán lại chứng khoán được Sacombank tiếp nhận từ việc sáp nhập Southern Bank được đảm bảo bằng cổ phiếu. Bao gồm trong các khoản phải thu này là 1.106 tỷ đồng được Sacombank trích lập dự phòng theo năng lực tài chính trong thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu.
Theo dữ liệu báo cáo tài chính, trong năm qua, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt 12,1% với tổng dư nợ đạt 222.946,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu ở mức 10.404 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,67% tổng dư nợ. Riêng nợ có khả năng mất vốn là 8.303 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của Sacombank đã giảm 24,3% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm đáng kể so với mức 6,91% năm 2016.
Bích Diệp