Thanh Hóa:

Phát hiện hàng trăm xe điện chở khách “chui” tại khu du lịch Sầm Sơn

(Dân trí) - Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phát hiện nhiều sai phạm trong thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh chở khách ở Thanh Hóa. Đáng chú ý, tại TP Sầm Sơn có gần 500 xe điện chở khách nhưng gần một nửa số xe đang hoạt động “chui”, xe chưa đăng ký, đăng kiểm.

Theo kết luận thanh tra của Bộ GTVT, tại tỉnh Thanh Hóa có TP. Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa và huyện Cẩm Thủy với 11 đơn vị được phép thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh tại một số khu du lịch với tổng số gần 700 xe.

Kết luận thanh tra chỉ rõ hàng loạt sai phạm như: Số lượng xe không được đăng ký, đăng kiểm hoạt động còn nhiều; Một số lái xe không có giấy phép lái xe theo quy định; tình trạng vi phạm về đậu đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, hoạt động quá phạm vi cho phép, chở quá số người được phép, tranh giành khách, ép khách còn diễn ra; Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn hạn chế, đặc biệt là tại huyện Hoằng Hóa; có địa phương hoạt động vận chuyển khách bằng xe điện 4 bánh nhưng chưa được phép thí điểm.

Phát hiện hàng trăm xe điện chở khách “chui” tại khu du lịch Sầm Sơn - 1

Hoạt động chở khách bằng xe điện ở Sầm Sơn (ảnh: GDTĐ)

Cụ thể, tại TP. Sầm Sơn có 5 đơn vị tham gia thí điểm với tổng số gần 500 xe nhưng có tới gần 230 xe chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Tại huyện Hoằng Hóa và huyện Cẩm Thủy có 5 đơn vị tham gia thí điểm với tổng số 180 xe, trong đó có 97 xe đang hoạt động. Trong số này, chỉ có 10 xe được đăng ký, đăng kiểm; còn lại 87 xe chưa được đăng ký đăng kiểm theo quy định.

Huyện Tĩnh Gia là địa phương chưa được phép tham gia thí điểm xe điện 4 bánh nhưng đang có 52 xe của các hộ kinh doanh hoạt động vận chuyển khách du lịch tại các xã Hải Thanh và Hải Bình.

Kết quả thanh tra cho thấy, 9 đơn vị tham gia thí điểm có tổng số 318 xe điện 4 bánh chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định gồm: Công ty TNHH XD & DL Hưng Phong có 150 xe, Công ty TNHH Thương binh 27-7 Chiến Thắng có 34 xe, Công ty TNHH TM & DVDL Việt Cường có 39 xe, Công ty CP TMDL BMC Sầm Sơn có 3 xe, Công ty TNHH TMDV Nam Trường Ngọc có 24 xe, Công ty TNHH Hùng Lĩnh có 24 xe, Công ty TNHH Sơn Hải có 24 xe, Công ty TNHH TM Minh Quang Phát có 15 xe, Công ty CP GT - XD Cẩm Thủy có 5 xe. Trong đó: 15 xe của Công ty TNHH TM Minh Quang Phát không được cơ quan công an cấp biển số tạm và 303 xe của 8 đơn vị còn lại được cơ quan công an cấp biển số tạm để quản lý.

Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị tham gia thí điểm có xe và người điều khiển xe điện 4 bánh tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là các vi phạm về điều kiện đối với lái xe, điều kiện an toàn kỹ thuật của xe, vi phạm về phạm vi, tuyến đường và thời gian hoạt động. Việc lựa chọn đơn vị tham gia thí điểm cần đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động xe điện 4 bánh; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chỉ cho hoạt động thí điểm đối với xe điện 4 bánh khi đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được đăng ký, đăng kiểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Châu Như Quỳnh