Phát hiện hàng loạt vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm
(Dân trí) - Thanh tra Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm kiến nghị thu nộp ngân sách Nhà nước 625 triệu đồng qua công tác thanh tra, kiểm tra trong 9 tháng đầu năm.
Theo báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra 9 tháng năm 2016, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm đã hoàn thiện và lưu hành kết luận đối với các cuộc thanh tra từ năm 2015 chuyển sang.
Đồng thời, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã chỉ đạo Phòng Thanh tra chủ trì cùng với các Phòng Quản lý giám sát tiến hành thu thập thông tin, số liệu phục vụ cho việc khảo sát và lập kế hoạch chi tiết chuẩn bị triển khai thanh tra đối với 7 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc đối tượng thanh tra, 13 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc đối tượng kiểm tra.
Cụ thể, 9 tháng năm 2016, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã thực hiện 6 cuộc thanh tra và 8 cuộc kiểm tra, đã lưu hành 5 kết luận thanh tra (gồm: 3 kết luận thuộc kế hoạch năm 2015 chuyển sang và 2 kết luận thuộc kế hoạch năm 2016).
Riêng quý III năm 2016, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã triển khai 3 cuộc thanh tra (Công ty TNHH Dai-ichi Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential và Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam) và 02 cuộc kiểm tra (Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Marsh Việt Nam, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Jardine Lloyd Thompson).
Qua thanh tra, kiểm tra 9 tháng đầu năm, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã phát hiện, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, việc chấp hành không đúng quy định về việc tách quỹ chủ sở hữu, quỹ chủ hợp đồng; trích lập dự phòng nghiệp vụ; công tác chăm sóc, chi trả quyền lợi bảo hiểm; công tác quản lý đại lý; chi hoa hồng đại lý; công tác theo dõi, hạch toán công nợ; công tác hạch toán kế toán…
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, việc chấp hành chưa đúng quy định của Bộ Tài chính về phí bảo hiểm (bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe), công tác đào tạo, cấp chứng chỉ và quản lý đại lý; chi hỗ trợ đại lý cao hơn quy định, chi bồi thường cho trường hợp bị loại trừ bảo hiểm, bồi thường chưa đủ căn cứ hoặc bằng chứng xác thực...
Trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm, các vi phạm chủ yếu như: Chấp hành chưa đúng nội dung, phạm vi hoạt động theo giấy phép, hoạt động môi giới bảo hiểm ngoài địa bàn quy định, hoạt động môi giới không có thỏa thuận bằng văn bản với bên mua bảo hiểm; tư vấn cho khách hàng không đúng quy tắc, điều khoản bảo hiểm cháy nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành; bổ nhiệm, báo cáo việc bổ nhiệm người quản trị điều hành và sử dụng nhân viên trực tiếp thực hiện các nội dung hoạt động môi giới bảo hiểm chưa đáp ứng điều kiện theo quy định; công tác theo dõi, hạch toán công nợ; công tác hạch toán kế toán…
Đồng thời, đã kiến nghị, chấn chỉnh công tác hạch toán kế toán, xử lý về mặt tài chính tại các doanh nghiệp và kiến nghị kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nhiệp tăng thêm và đã thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước 625 triệu đồng.
Ngoài ra, công tác xử lý sau thanh tra Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cũng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra 05 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc kiến nghị và khắc phục các tồn tại của kết luận thanh tra.
Phương Dung