Phập phồng nơi cửa khẩu

Hơn 30.000 tấn gạo lại rơi vào số phận nằm chờ nơi cửa khẩu Lào Cai, lại rơi vào tình trạng hư hỏng vì ẩm mốc khi lúc thì ngấm nước mưa, khi thì phơi nắng suốt hơn tuần lễ.

Dưa hấu của bà con nông dân đã và đang được giải cứu
Dưa hấu của bà con nông dân đã và đang được "giải cứu"
 

Thương lái Việt thì cứ phấp phổng chờ, thương lái Trung Quốc thì ngập ngừng “nửa nhận, nửa không”, khiến thương lái Việt chẳng biết đâu mà lần.

Gạo, dưa hấu, thanh long, vải… năm nào cũng điệp khúc nằm dài ở cửa khẩu biên giới phía Bắc. Phụ thuộc thương lái Trung Quốc đã khiến hàng nông sản Việt Nam thiệt đơn thiệt kép.

Xin trở lại câu chuyện “giải cứu” dưa hấu của một số bạn trẻ đã thực hiện thành công tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nếu không có sự vào cuộc của họ thì bà con nông dân trồng dưa đã trắng tay vì dưa không có nơi tiêu thụ.

Trong khi dưa hấu nằm chờ ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh ( Lạng Sơn), chờ để được thương lái Trung Quốc “lật lên lật xuống” tìm những quả đạt chất lượng, để mua cũng chỉ với giá cao nhất là 7.000 đồng, xin nhắc lại là loại đặc biệt mới được giá này.
 
Thị trường nội địa, người dân trong nước vẫn “khát” dưa, có địa phương mà…dưa hấu là hàng khó mua.

Dưa hấu được “giải cứu” đã có mặt ở nhiều địa phương- nhất là khu vực phía Bắc- cho thấy thị trường nội địa vẫn còn quá trống. Vậy tại sao lại cứ phải thẳng cửa khẩu biên giới mà tiến, mà phải chấp nhận phần thiệt khi phải ở thế phụ thuộc?

Tiếng kêu cứu dưa lại vang lên từ Bí thư xã đoàn xã Tịnh Hiệp ( Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) với phóng viên Lao Động vào trưa ngày 25.4. Lại cả ngàn tấn dưa hấu vừa vào vụ, sắp chín nẫu trên đồng mà thương lái chỉ lác đác mua với số lượng nhỏ, giá bọt bèo ( 1.500 đồng/kg).

Cái trò chơi ép giá của thương lái – cầm trịch vẫn là thương lái Trung Quốc- tung hoành bao năm qua với bà con nông dân, bị các nhóm tình nguyện bóc mẽ, khi nâng giá mua cao gấp đôi, gấp ba cho bà con. Mánh khóe đặt cọc xong bỏ rơi bà con nông dân, chờ cho dưa nằm chờ thối thì mới xuất hiện, phần thiệt bà con nông dân lĩnh đủ, thương lái chẳng mất gì.

Hành tím Vĩnh Châu ( Sóc Trăng), ngô ở Quảng Trị, muối ở Sa Huỳnh…đâu đâu cũng thấy tiếng kêu cứu sản phẩm của bà con nông dân. Số phận của những quả vải sắp đến mùa thu hoạch liệu có tiếp tục rơi vào tình trạng như hành, như dưa, như gạo…nơi cửa khẩu biên giới.

Những tình nguyện viên đã từng tham gia “giải cứu” dưa hấu, lại một lẫn nữa không cầm lòng được khi những giọt nước mắt mặn chát của những người nông dân vẫn cứ tiếp tục rơi, không đành đoạn nhìn thành quả mà bà con nông dân đã đổ mồ hôi, nước mắt…giờ chuẩn bị thành đồ bỏ đi.

Các bạn trẻ lại đang “động viên” tiếp tục hành trình “giải cứu”. Dẫu biết rằng, “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp lâu dài vẫn là …ánh sáng le lói cuối đường hầm của chặng đường ra cho nông sản nước nhà.

Bao giờ giọt nước mắt, khóc vì nông sản làm ra mà không tiêu thị được của người nông dân mới thôi rơi.

Chính quyền địa phương, bộ ngành được giao nhiệm vụ đang ở đâu?
 
Theo Linh Trần
Lao Động

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”