Phân bổ xe công: Chỗ cần không cấp, chỗ cấp không cần?
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước, một số ngành ở cấp huyện có 4-5 công chức được cấp một xe, còn cả khối dân vận vẫn không được cấp xe, rất bất công. Mỗi lần đi họp phải thuê xe rất tốn kém.
Vấn đề này được đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu ra tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tại hội trường hôm nay (25/7). Đề cập tới vấn đề công tác đầu tư công, vị đại biểu cho rằng đang lãng phí và thiếu công bằng.
Theo đại biểu này, trong sử dụng xe công, trước đây, khối dân vận, mặt trận của huyện có một xe chung để phục vụ cho cả khối nên rất thuận lợi, nhưng theo quy định của Nghị định 04 của Chính phủ thì cắt xe công của khối Mặt trận.
"Nhiều huyện cách trung tâm của tỉnh lỵ tới 100 km, mỗi lần đi họp không có xe, phải thuê xe đi lại rất vất vả, nhiêu khê, tốn kém, rõ ràng là lợi bất cập hại" - ông Phước cho biết.
Đại biểu tỉnh Quảng Nam dẫn giải thực tế thời gian qua đi phục vụ vận động, giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, khối mặt trận rất lúng túng vì không có xe đi công tác.
"Một số ngành ở cấp huyện có 4-5 công chức được cấp một xe ô tô, còn cả khối dân vẫn không được cấp ô tô, rất bất công" - ông Phước dẫn chứng và đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Vấn đề đầu tư công, theo vị đại biểu tỉnh Quảng Nam, Quốc hội không chỉ phân bổ nguồn đầu tư công mà còn phải giám sát, kể cả thực hiện nguồn đầu tư công, vì có như vậy mới kiểm soát được nguồn lực quốc gia được đầu tư đúng mục đích và hiệu quả. Nên phân bổ nguồn vốn đầu tư công nên tập trung phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, khoa học, công nghệ, vì đây mới là nguồn đầu tư mang tính dẫn dắt, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển.
"Trong đầu tư công lần này tôi thấy tập trung nhiều cho mua sắm thiết bị, xây dựng trụ sở, tôi nghĩ cần thiết, nhưng nếu không tính toán kỹ sẽ gây lãng phí, trong khi nguồn lực của chúng ta còn rất nhiều hạn chế" - ông Phước nói.
Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng tình trạng lãng phí trong chi tiêu ngân sách hiện nay là rất phổ biến và cần có biện pháp xử lý.
"Nhiều công trình được xây dựng từ ngân sách nhà nước còn bỏ hoang hoặc hiệu quả thấp. Lãng phí rất nguy hại và nhiều khi gây tác hại lớn hơn nhiều so với tham nhũng. Chúng ta còn để lãng phí trong nhiều lĩnh vực về nguồn lực, lãng phí biên chế, bộ máy hành chính cồng kềnh, lãng phí do các thủ tục hành chính rườm rà, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tài sản công." - ông Tâm thông tin.
Theo đại biểu đoàn Quảng Bình, mặc dù Nghị quyết của Đảng khẳng định chống cả tham nhũng và lãng phí, nhưng trong nhận thức của nhiều người vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, chỉ coi nó như là tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.
"Trong khi phát hiện hành vi tham nhũng có thể gặp nhiều khó khăn vì đó là hành vi tội phạm ẩn, người phạm tội có quyền, có trình độ, thủ đoạn tinh vi thì hành vi lãng phí dễ dàng nhận diện hơn" - ông Tâm nói và cho rằng nếu kiên quyết, có chế tài mạnh chúng ta có thể chống lãng phí một cách hiệu quả và có thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.