Phải làm cho vốn nhà nước “phình” ra

Trao đổi xung quanh “tham vọng” làm thay đổi phương thức thực hiện vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và làm cho vốn nhà nước “phình” ra, bà Lê Thị Băng Tâm - chủ tịch hội đồng quản trị SCIC - nói:

Một trong những điểm cơ bản nhất, quan trọng nhất trong hoạt động của SCIC là góp phần thay đổi mối quan hệ giữa Nhà nước và DN nhà nước. Đó là tách bạch, phân định rõ ràng giữa quyền quản lý nhà nước và quyền quản lý kinh doanh.

Mô hình SCIC đã được Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thực tế của nhiều tập đoàn đầu tư tài chính thế giới. Phương thức hoạt động của SCIC là dựa trên hoạt động đầu tư vốn của Nhà nước vào các DN chứ không phải là quản lý các DN.

Có thể hình dung SCIC là một tập đoàn đầu tư tài chính, nếu có khác với các tập đoàn khác thì chỉ là ở chỗ nguồn tài chính mà SCIC đầu tư vào các DN có gốc gác ban đầu là nguồn vốn của Nhà nước tại các DN.

Bây giờ tiếp nhận rồi, ngoài một lần được cấp vốn pháp định thì chúng tôi không được “bơm” thêm vốn nữa và nhiệm vụ của chúng tôi là giữ vai trò một cổ đông ở DN để từ đó phát huy vai trò đầu tư và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước.

SCIC đã chuyển nhượng cổ phần tại một số DN cho các nhà đầu tư khác để thu bớt vốn của Nhà nước về. Tới đây, SCIC sẽ chuyển nhượng thêm những DN nào?

Cái này phải căn cứ vào tình hình thực tế. Nhưng phải khẳng định một điều rằng SCIC không phải chỉ có một việc là tiếp nhận và bán cổ phần của Nhà nước tại các DN. Một khi đã xác định vai trò của mình là một tổ chức đầu tư tài chính, công việc của SCIC là làm sao để phần vốn nhà nước mà chúng tôi quản lý ngày càng sinh lời.

Và như vậy, với vai trò của một nhà đầu tư, sẽ có những DN, những lĩnh vực mà SCIC bán bớt phần vốn của Nhà nước, lấy số tiền đó đầu tư cho những dự án được đánh giá tốt, có khả năng sinh lời cao hơn. Đối tượng lựa chọn để chuyển nhượng cổ phần cũng được xem xét kỹ để khi có những cổ đông mới này, hoạt động của DN sẽ được đổi mới, hiệu quả kinh doanh tăng lên.

Có một thực tế là phần lớn DN nhà nước hiện nay hoạt động kém hiệu quả, làm sao có thể tính tới chuyện sinh lời, phát triển vốn nhà nước được?

Việc đầu tiên mà SCIC phải làm khi tiếp nhận phần vốn nhà nước tại các DN là tái cơ cấu, đề xuất mô hình quản trị tốt hơn, minh bạch hóa, lành mạnh hóa tình hình tài chính và hoạt động của DN.

Ví dụ như đối với Pacific Airlines, việc đầu tiên khi chúng tôi tiếp nhận phần vốn nhà nước tại đây là lành mạnh hóa hoạt động DN, xử lý các vấn đề tài chính chứ không phải tìm cách bán nó đi.

Và ngay cả việc xem xét, đánh giá các đối tác có thể chuyển nhượng vốn cũng phải căn cứ vào việc liệu nhà đầu tư này sẽ giúp cho hoạt động của DN tốt lên như thế nào, phát triển ra sao.

Vì sao SCIC lại “chậm” bán cổ phần để thu vốn khi thị trường chứng khoán đang phát triển nóng?

Việc bán bớt cổ phần nhà nước tại các DN sẽ nhiều lên, nhất là khi danh mục những lĩnh vực, ngành nghề của DN mà nhà nước nắm 100% vốn hoặc nắm quyền chi phối do Chính phủ vừa ban hành đã được thu hẹp. Thế nhưng, SCIC không chỉ bán phần vốn sở hữu của DN.

Hiện nay, SCIC đã tiếp nhận việc đại diện chủ sở hữu tại khoảng 500 DN. Tiếp nhận vai trò này rồi sẽ phân loại theo ba hạng: Hạng A có 7-8 DN, gồm các DN có qui mô vốn lớn trên 100 tỉ đồng, đã tham gia thị trường chứng khoán, là các DN có tác động lớn về kinh tế - xã hội.

Hạng B có khoảng 50 DN là các DN có thể đầu tư linh hoạt, cơ cấu, sắp xếp lại, lên sàn chứng khoán... để tăng giá trị. Còn lại là khoảng 460 DN hạng C, qui mô vốn nhỏ mà chúng tôi có kế hoạch thoái vốn, tuy nhiên cũng phải sắp xếp để sau khi thoái vốn DN hoạt động tốt và sẽ phát triển lên. Trong hoạt động cơ cấu, sắp xếp lại sẽ chủ yếu thực hiện việc mua bán DN, sáp nhập... để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh.

SCIC là nhà đầu tư chiến lược chứ không phải là đầu tư cơ hội, do đó không phải cứ thấy thị trường chứng khoán “xuống” là chúng tôi mua vào hay “lên” thì bán ra. Nếu chỉ đơn thuần bán ra, mua vào thì không thể nâng cao hiệu quả của DN, qua đó nâng cao tỉ suất lợi nhuận, khả năng sinh lời của vốn nhà nước được.

Chính vì vậy, điều trước tiên là chúng tôi phải cơ cấu lại các DN, làm cho nó có thể mạnh lên đã. Tái cấu trúc qua đó nâng cao giá trị DN và tư vấn, tìm kiếm các nhà đầu tư mới có thể góp phần nâng cao hiệu quả của DN, tìm kiếm cơ hội cho DN mà Nhà nước là một cổ đông phát triển để từ đó đồng vốn nhà nước sinh sôi, nảy nở mới là nhiệm vụ chính của SCIC.

Theo Nhật Linh
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm