Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông:
Phải coi dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chúng ta phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản cá nhân, như tài sản quan trọng nhất, nhất là khi tham gia thương mại điện tử.
Sáng nay (5/6), theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn nội dung liên quan đến sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia thương mại điện tử.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý Nhà nước vừa qua đầu tư chưa nhiều để phát triển các công cụ công cụ số, để thực thi quản lý Nhà nước trên không gian mạng. Chúng ta phải coi công nghệ số như lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng như ý kiến của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh): "Dùng công nghệ để quản lý công nghệ".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh 20-25% có khi là 30%/năm nên thể chế số, công cụ số, kỹ năng số đang theo sau, do đó cần đẩy nhanh tốc độ. Trong đó, phát triển công cụ số có thể làm nhanh nhất.
"Trên sàn thương mại điện tử có hàng triệu sản phẩm, đi theo đó là hàng triệu sản phẩm. Đi theo nó thì không thể dùng sức người để quản lý được nữa mà phải dùng công nghệ số", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xử lý môi trường số sẽ tạo ra một cơ hội để quản lý toàn diện, có thể giám sát, phát hiện sớm vấn đề, ngăn chặn các hành vi trái phép, các giao dịch bất thường nhưng phải dùng công nghệ hiện đại. Ví dụ, có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo có dấu hiệu sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái.
Các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử cũng có thể tự xây dựng các thuật toán AI để rà soát, chọn lọc các tài khoản, các nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật dựa trên các ảnh chụp video vi phạm quảng cáo điển hình do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam có thuận lợi khi có nhiều doanh nghiệp số xuất sắc có thể viết các phần mềm này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các doanh nghiệp số của ngành có thể giúp Bộ Công Thương phát triển công nghệ số để phát triển công cụ quản lý thương mại điện tử.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội quan tâm, tăng đầu tư cho việc phát triển công nghệ số để quản lý thương mại điện tử nói riêng và quản lý không gian mạng nói chung.
Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Chúng ta phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản cá nhân, như tài sản quan trọng nhất của cá nhân".
"Dữ liệu cá nhân, nhất là dữ liệu xác định danh tính: tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, thông tin thẻ tín dụng thì một người khác có thể mạo nhận, hoạt động thay chúng ta và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết", Bộ trưởng nêu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được lưu trữ và xử lý ngày càng lớn. Đi kèm với nó là nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng tới thương mại điện tử và các lĩnh vực khác.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó đề nghị các bộ ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực đang quản lý.
Hiện nay, Chính phủ đã có lộ trình xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, để bảo vệ dữ liệu cá nhân thì đảm bảo an toàn cho hệ thống lưu trữ dữ liệu cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân và các sàn thương mại điện tử phải tuân thủ Nghị định này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành địa phương triển khai công tác về đảm bảo an toàn thông tin. Trong đó, thương mại điện tử là lĩnh vực quan trọng cần được triển khai an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng, đã triển khai hệ thống thông tin tín nhiệm mạnh, đã đánh giá xác nhận website đảm bảo thông tin trên mạng, thông tin cá nhân và gán nhãn tín nhiệm cho trên 5.000 webiset chính thống, đồng thời công bố các website lừa đảo, kiểm tra xem một website có phải lừa đảo hay không trên Cổng khonggianmang.vn; có 21 tỷ lượt xem video tuyên truyền về nhận thức về kỹ năng số trên mạng xã hội từ gần 21 triệu người Việt Nam; đã xây dựng cẩm nang an toàn trực tuyến để hướng dẫn người dân kỹ năng an toàn thông tin khi tham gia không gian mạng…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.
"Bộ thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các công tác trên trong lĩnh vực thương mại điện tử", Bộ trưởng nêu.