Phải có 30 tỷ USD mới cứu được đảo Síp
(Dân trí) - Chi phí giải cứu đảo Síp đã tăng lên mức 23 tỷ Euro, tương đương 30 tỷ USD. Trong đó, quốc gia bị khủng hoảng tấn công này phải chịu trách nhiệm đóng góp một phần lớn của gói giải cứu để tự đưa mình thoát khỏi bờ vực phá sản.
Hãng tin AP cho biết, đây là thông tin từ một tài liệu dự thảo do các chủ nợ quốc tế của Síp vạch ra. Bộ tam chủ nợ này bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo tài liệu nói trên, Síp sẽ phải gom được 13 tỷ Euro, tương đương 17 tỷ USD, để góp vào gói cứu trợ dành cho chính mình. Số tiền này tăng thêm 6 tỷ Euro so với mức mức đóng góp 7 tỷ Euro mà các nhà chức trách của Síp đã nhất trí với các chủ nợ quốc tế trong cuộc đàm phán đầy sóng gió hồi tháng trước.
Để có số tiền này, Síp sẽ đánh thuế nặng vào các tài khoản tiền gửi lớn của người dân tại ngân hàng, gia tăng các loại thuế, tiến hành các vụ quốc hữu hóa, đồng thời bán ra một phần dự trữ vàng quốc gia. Trong đó, những người gửi tiền với tài khoản trên 100.000 Euro tại hai ngân hàng lớn nhất của Síp là Bank of Síp và Laiki sẽ phải chịu thuế.
“Quy mô khổng lồ của phần đóng góp tăng thêm cho thấy những thách thức lớn mà Síp phải đối mặt”, ông Jonathan Loynes, một chuyên gia của hãng nghiên cứu Capital Economics, nhận định.
Theo dự kiến, nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế sẽ cấp cho Síp, đảo quốc trên Địa Trung Hải, số tiền 10 tỷ Euro, tương đương 13 tỷ USD, để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng “tơi tả” ở đây, đồng thời giữ cho Chính phủ Síp tránh khỏi cảnh vỡ nợ. Như vậy, cộng với số tiền mà Síp dự kiến phải góp thêm, phải có ít nhất 30 tỷ USD mới cứu được đảo quốc này.
Chính phủ hiện tại Síp cho rằng, phần chi phí khổng lồ tăng thêm mà họ phải gánh trong gói giải cứu là do lỗi của chính phủ cánh tả tiền nhiệm. Theo họ, những lần trì hoãn trong đàm phán gói giải cứu trước đây đã đẩy chi phí của gói cứu trợ gia tăng. Phát ngôn viên Christos Stylianides của Chính phủ Síp lên tiếng cáo buộc cựu Tổng thống Dimitris Christofias là đã không đảm bảo trách nhiệm và thiếu quyết đoán trong việc đàm phán gói giải cứu.
Tài liệu dự thảo mà AP thu thập được cho thấy, nhóm chủ nợ kỳ vọng Síp sẽ huy động được 10,6 tỷ Euro từ việc đóng cửa ngân hàng Laiki, và số tiền này sẽ được dùng đẻ hỗ trợ cho Bank of Síp.
Tài liệu cũng nói rằng, Síp sẽ phải bán vàng để huy động 400 triệu Euro. Mặc dù vậy, người phát ngôn của Ngân hàng Trung ương Síp đã tuyên bố rằng, Hội đồng Thống đốc “không cân nhắc việc bán vàng ở thời điểm hiện tại.
Từ khi các ngân hàng ở Síp mở cửa trở lại vào hôm 28/3 sau gần 2 tuần đóng cửa, các biện pháp kiểm soát rút tiền đến nay vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, các hạn chế này đang được nới lỏng dần. Theo dự kiến, trong ngày hôm nay (12/4), 17 bộ trưởng tái chính nhóm Eurozone sẽ họp ở Dublin để đàm phán thêm về các chi tiết trong gói cứu trợ cho Síp.
Những con số mới nhất trong kế hoạch cứu Síp cho thấy các nước giàu có hơn ở phía Bắc của châu Âu đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với việc cứu trợ các nước nghèo hơn ở phía Nam, đồng thời đưa ra những điều kiện ngày càng ngặt nghèo hơn đối với các nước được cứu. Síp là quốc gia thứ 5 nhận được tiền giải cứu ở châu Âu, sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Nhóm bộ ba chủ nợ “không chịu” tăng thêm phần đóng góp cho gói giải cứu Síp từ mức 10 tỷ Euro, tương đương 13 tỷ USD, mà họ đã định ra ban đầu. Nhiều nhà phân tích cho rằng, phần đóng góp 13 tỷ Euro dự kiến mà Síp phải gánh có thể quá lớn so với khả năng chịu đựng của nước này.
Theo dự báo của nhóm chủ nợ, nền kinh tế nhỏ bé của Síp với GDP ở mức khoảng 18 tỷ Euro, tương đương 0,2% tổng GDP của khối Eurozone, sẽ suy giảm với tốc độ 8,7% trong năm nay và giảm thêm 3,9% trong năm 2014. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng, kinh tế Síp có thể co cụm hơn 10% trong năm nay do ảnh hưởng từ việc tái cơ cấu ngành ngân hàng và các biện pháp khác phải thực thi nhằm đáp ứng điều kiện để được châu Âu và IMF cứu.
Theo dự báo, đến năm 2015, kinh tế Síp sẽ tăng trưởng trở lại, với mức tăng 1,1,%. Nhưng dự báo này có phần hơi lạc quan nếu nhìn vào những gì đã và đang diễn ra ở Hy Lạp. Đến nay, kinh tế Hy Lạp đã suy giảm năm thứ 6 liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp ở mức khoảng 27%.
“Síp sẽ phải trải qua một quá trình tái cơ cấu khắc nghiệt đối với nền kinh tế. Một nửa hệ thống ngân hàng của nước này sẽ biến mất. Tôi cho rằng, phải mất ít nhất 3 năm thì kinh tế Síp mới thoát đáy”, nhà phân tích Christoph Weil thuộc ngân hàng Commerzbank của Đức đánh giá.
Ngoài ra, gói giải cứu cũng sẽ làm gia tăng tình trạng nợ nần của Chính phủ Síp. Dự kiến, mức nợ công sẽ lên đên 126% GDP của nước này vào năm 2015.
Phương Anh
Theo AP