1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Các ngân hàng đảo Síp vẫn đóng cửa, doanh nghiệp khốn đốn

(Dân trí) - Dù chính phủ đảo Síp đã đạt được thỏa thuận “giải cứu” với các nhà tài trợ quốc tế, đến giờ này hệ thống ngân hàng của nước này vẫn đóng cửa trong tuần thứ hai liên tiếp, khiến doanh nghiệp khốn đốn.

Phát biểu với hãng tin AP, thống đốc Ngân hàng trung ương đảo Síp Panicos Demetriades cho biết “những nỗ lực siêu nhiên đang được thực hiện” nhằm mở cửa các ngân hàng trở lại trong ngày mai. 
Các cửa hàng tại Síp vẫn chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt
Các cửa hàng tại Síp vẫn chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt

Ông Demetriades cũng tiết lộ một khi ngân hàng mở cửa trở lại, các biện pháp hạn chế “tạm thời” sẽ được áp dụng đối với các giao dịch tài chính, nhưng không nói rõ thời gian áp dụng những hạn chế này là bao lâu. “Chúng tôi cần phải khôi phục niềm tin của công chúng vào ngân hàng”, vị Thống đốc khẳng định.

Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Michalis Sarris thì cho biết thêm rằng các biện pháp hạn chế sẽ giúp ngăn chặn mọt đợt rút tiền gửi ồ ạt “chắc chắn sẽ xảy ra”, và rằng tiền gửi sẽ bị rút đi “trong khoảng thời gian khá ngắn”.

“Tôi cho rằng mỗi ngày các ngân hàng không mở cửa chỉ càng tạo thêm bất ổn và khó khăn cho người dân. Do đó chúng tôi nỗ lực hết sức để đảm bảo mục tiêu mới đề ra sẽ thành hiện thực”, ông Sarris chia sẻ.

Trước đó chính phủ Síp từng đặt mục tiêu để 2 ngân hàng lớn nhất mở cửa trở lại trong ngày 26/3, sau 10 ngày đóng cửa nhằm ngăn làn sóng người rút tiền ồ ạt trong lúc các chính trị gia bàn cách đạt được khoản tiền giải cứu. Thế nhưng đến cuối ngày 25/3, một thông báo mới được đưa ra và các ngân hàng tiếp tục tạm ngừng hoạt động tới ngày 28/3.

Việc ngân hàng liên tục đóng cửa suốt gần 2 tuần liền đang khiến các doanh nghiệp và cả người dân quốc đảo này khốn đốn vì thiếu tiền mặt. Họ không thể trả lương cũng như thanh toán cho các nhà cung cấp. Người dân cũng thắt chặt chi tiêu giữa lúc bất ổn lên cao.

Vận tải biển, một trong những ngành quan trọng của Síp, đóng góp khoảng 5% vào GDP, đã cảm nhận rõ tác động của hiện tượng này. Síp hiện xếp thứ 10 thế giới về số lượng tàu vận tải biển đăng ký quốc tịch nước mình và cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia có những công ty quản lý tàu biển lớn nhất thế giới. 

“Việc này thực sự đang hủy diệt chúng tôi”, một đại diện giấu tên của công ty vận tải biển EDT Offshore khẳng định. “Chúng tôi phải trả lương cho thủy thủ đoàn, khoảng 500.000 USD, trong khi tiền lương cho các nhân viên văn phòng đến ngày 28/3 cũng ở mức tương đương. Vậy nhưng chúng tôi lại không thể tiếp cận tài khoản ngân hàng. Những người này cũng cần phải trả hóa đơn, họ có nghĩa vụ thanh toán cần thực hiện”. 

Các quan chức tại cảng Piraeus của Hy Lạp mới đây cũng đã ngăn chặn, không cho một trong ba tàu hàng của EDT rời khỏi đây do tàu chưa trả nợ cho cảng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc con tàu trên sẽ không thể thực hiện hợp đồng với khách hàng như quy định, và công ty với đội tàu 18 chiếc này sẽ đối mặt với các tổn thất phát sinh.

Phát biểu với hãng tin AFP, tổng thư ky Phòng thương mại và công nghiệp Síp Marios Tsiakkis cho biết “nhiều công ty đang có nguy cơ phá sản. Hoạt động của họ với thế giới bên ngoài hoàn toàn đóng băng”. 

Andreas Agrotis, chủ công ty nhập khẩu rau quả lớn nhất đảo Síp là Amalthis cho biết một container hàng của công ty mình sẽ đến cảng trong ngày thứ Năm. “Tôi cần phải tìm đủ 7000 euro để nhập hàng hoặc chúng sẽ nằm chờ ở đó cho đến khi tôi có đủ tiền mặt”, Agrotis chia sẻ.

“Điều quan trọng nhất lúc này đó là ngân hàng mở cửa trở lại để chúng tôi biết được tác động của những gì vừa qua với hoạt động kinh doanh ra sao”. Amalthis cho biết thêm rằng công ty ông có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có thể phải đóng cửa nếu không được phép thanh toán tiền cho nhà cung cấp.

Tương tự, Andreas Adamides, giám đốc tài chính của công ty nhập khẩu dược phẩm và mỹ phẩm Papaellinas cũng lo lắng không kém. “Công việc kinh doanh của chúng tôi đang rất tốt nhưng chúng tôi cần biết chính phủ sẽ áp dụng những hạn chế nào đối với việc thanh toán ra nước ngoài”, Adamides khẳng định và không loại trừ khả năng nhiều tháng tới sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Còn tại Athienitis, một cửa hàng tạp hóa giá rẻ rất được ưa chuộng tại Nicosia, lãnh đạo cửa hàng ông Stratos Hadjichristofi cho biết đã phải áp dụng chính sách chỉ nhận tiền mặt. “Tôi có đủ hàng dự trữ cho đến tận bây giờ để chấp nhận thanh toán bằng séc và thẻ tín dụng nhưng do ngân hàng không mở cửa, chúng tôi không dám chắc bất kỳ điều gì. Tôi không thể đặt công ty mình vào tình thế rủi ro”.

Hadjichristofi cũng chỉ ra một vấn đề khác đó là nạn người dân đổ xô tích trữ lương thực, thực phẩm khiến doanh số tăng hơn 30% trong 10 ngày qua. “Mọi người đang hoảng sợ rằng tình trạng khan hiếm lương thực sẽ xảy ra, do đó họ đến và mua rất nhiều mỳ, gạo và đậu. Dù vậy thì chúng tôi vẫn chưa hết bất kỳ mặt hàng nào”.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp đang có nguy cơ trắng tay khi ngân hàng lớn thứ hai nước này là Laiki Bank bị giải thể. Michael Michael, giáo sư lý thuyết thương mại tại đại học Sýp cho biết: “Đó chính là sự khai tử với nhiều công ty, nhất là các công ty nhỏ. Một thảm họa. Một số sẽ phá sản trong khi những công ty hiện đang làm ăn tốt sẽ phải giảm mạnh quy mô hoạt động”.

Thanh Tùng
Theo AP, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm