Pha giải cứu "họ" FLC, ông Trịnh Văn Quyết còn bao nhiêu cổ phiếu?
(Dân trí) - Ngoại trừ FLC và ROS còn bị "khóa sàn" sáng nay thì các mã còn lại như ART, HAI, KLF đã thoát sàn. Hiện giá trị cổ phiếu mà ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ đạt trên 4.400 tỷ đồng.
Phiên giao dịch sáng nay (29/3), các mã cổ phiếu thuộc "họ" FLC tiếp tục bị chất lệnh bán sàn ngay khi thị trường vừa mở cửa.
Kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), AMD giảm sàn về 6.190 đồng/cổ phiếu; FLC giảm sàn về 12.650 đồng/cổ phiếu; HAI giảm sàn về 5.880 đồng/cổ phiếu; ROS giảm sàn về 8.160 đồng/cổ phiếu; KLF giảm sàn về 5.800 đồng/cổ phiếu; ART giảm sàn về 9.300 đồng/cổ phiếu.
Trong khi ART bắt đầu được "giải cứu", dần thoát sàn thì các mã còn lại vẫn bị bán mạnh. Dư bán sàn tại FLC lúc 9h20 còn trên 75 triệu đơn vị, tại ROS là trên 60 triệu cổ phiếu; tại AMD và KLF là gần 13 triệu cổ phiếu mỗi mã. Sức hấp thụ tại những mã cổ phiếu này vẫn rất khiêm tốn.
Khoảng 10h, có thêm 2 mã thoát sàn là HAI và KLF; 10 phút sau đó, AMD là mã tiếp theo được "giải cứu". Nhiều lệnh lớn bắt đầu xuất hiện tại các mã còn lại là FLC và ROS, lượng cổ phiếu dư bán sàn thu hẹp dần.
Tạm kết thúc phiên giao dịch sáng, dư bán sàn tại FLC còn 73,4 triệu cổ phiếu trong khi khớp lệnh tổng cộng gần 2,6 triệu cổ phiếu; ROS khớp lệnh 7,9 triệu đơn vị nhưng vẫn còn dư bán sàn hơn 48 triệu đơn vị. Các mã đã thoát sàn là ART giảm 5,8%; HAI giảm 6,3%; AMD giảm 6,8%; KLF giảm 7,8%.
Một khi cổ phiếu có thanh khoản thì nhà đầu tư sẽ thoát được tình thế "kẹp hàng" và có quyền đưa ra quyết định tiếp tục nắm giữ hay thoát hàng. "Chưa bao giờ tôi mong sắc đỏ với cổ phiếu như hai hôm nay" - chị Hoàng Điệp, một nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu AMD cho biết.
Trong phiên hôm qua, cổ phiếu "họ" FLC mất thanh khoản (trắng bên mua) khiến nhiều cổ đông bị áp lực tâm lý nặng nề. Cổ phiếu giảm sàn và giảm mạnh khiến nhiều nhà thiệt hại nặng nề.
Ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC chiếm tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ tập đoàn; 7,6 triệu cổ phiếu GAB chiếm tỷ lệ 51,09%; 23,7 triệu cổ phiếu ROS chiếm tỷ lệ 4,18%. Tổng giá trị của ông Quyết hiện vào khoảng trên 4.400 tỷ đồng.
Về thị trường chung, các chỉ số đều đã phục hồi mạnh mẽ. VN-Index tăng 11,35 điểm tương ứng 0,77% lên 1.494,53 điểm; HNX-Index tăng 7,9 điểm tương ứng 1,74% lên 462,79 điểm và UPCoM-Index tăng 0,88 điểm tương ứng 0,76% lên 116,89 điểm.
Trong khi VN30-Index tăng 12,78 điểm tương ứng 0,86% thì VNSML-Index cũng tăng 29,26 điểm tương ứng tăng 1,3% và VNMID-Index tăng 21,93 điểm tương ứng tăng 0,99%. Điều này cho thấy, dòng tiền trên thị trường phân bổ tương đối đồng đều.
Nhìn chung, biến động tại nhóm FLC không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung, mặc dù có thể khiến nhà đầu tư tỏ ra e ngại hơn với dòng cổ phiếu đầu cơ. Với hơn 1,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, FLC chiếm hơn 1% lượng cổ phiếu trên sàn và giá trị vốn hóa của FLC khá khiêm tốn, ở mức 8.981,5 tỷ đồng.
Trên thị trường, nhóm cổ phiếu liên quan tới FLC thường được chú ý nhiều hơn về mặt thanh khoản. Trong năm 2021, tổng giá trị khớp lệnh của cổ phiếu "họ" FLC đạt gần 147.000 tỷ đồng, chiếm 2,4% toàn thị trường và FLC là một trong 6 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường.
Cổ phiếu "họ" FLC diễn biến bất lợi sau khi có tin đồn liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh, thậm chí bị bắt tạm giam. Tuy nhiên, thông tin bắt giam đã bị bác bỏ. Chiều 28/3, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết thông tin trên chưa chính xác.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện cơ quan điều tra mới đang ở bước xác minh, nắm tình hình xem "đúng hay không đúng" về các thông tin liên quan đến Tập đoàn FLC.
Về phía FLC, tập đoàn này hoàn toàn không có động thái nào đáp lại tin đồn trên. Bản thân ông Trịnh Văn Quyết cũng chỉ trả lời ngắn gọn trên truyền thông rằng "tôi rất bận".