1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Pha "đẩy lỗ" thần sầu của bầu Đức, giới đầu tư ngỡ ngàng

Mai Chi

(Dân trí) - Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức gây ngỡ ngàng với giới đầu tư sau khi sử dụng kỹ thuật hồi tố, đẩy hơn 5.000 tỷ đồng thua lỗ - một con số khổng lồ, về quá khứ.

Phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) giảm 2,3% còn 4.680 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của mã này.

Pha đẩy lỗ thần sầu của bầu Đức, giới đầu tư ngỡ ngàng - 1

Diễn biến cổ phiếu HAG trong 3 tháng qua

Liên quan đến doanh nghiệp của bầu Đức, một chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực tài chính kế toán - ông Phan Lê Thành Long đã chỉ ra trong kỳ báo cáo tài chính quý IV/2020, HAGL đẩy hơn 5.000 tỷ đồng thua lỗ về quá khứ mà không ai để ý.

Cụ thể, nếu so sánh chỉ tiêu lỗ lũy kế/lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 và năm 2019 của HAGL sẽ thấy chênh lệch hơn 5.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2019, công ty ghi nhận lãi lũy kế hơn 290 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Đến báo cáo hợp nhất quý 4/2020, lỗ lũy kế thể hiện là 5.085,8 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020.

Như vậy, năm 2020, HAGL nhẽ ra là đã lỗ gần 5.400 tỷ đồng nhưng trong báo cáo tài chính quý 4/2020 của HAGL lại cho thấy, doanh nghiệp lỗ sau thuế 2.175 tỷ đồng trong kỳ và lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong năm 2020.

Thực tế, tại báo cáo này, HAGL đã chỉnh sửa lại số liệu của ngày 31/12/2019. Theo thuyết minh, trong năm 2020, Ban Tổng giám đốc HAGL đã rà soát lại số liệu quá khứ liên quan đến ước tính và dự phòng giá trị thu hồi các khoản phải thu và thực hiện điều chỉnh hồi tố.

Pha đẩy lỗ thần sầu của bầu Đức, giới đầu tư ngỡ ngàng - 2

Thông tin về việc hồi tố ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán hợp nhất của HAGL

Ông Long cho hay, trong quý 3/2020, HAGL đã hoán đổi khoản phải thu lấy cổ phần của Chăn nuôi Gia Lai, biến Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con, tạo ra lợi thế thương mại tăng thêm gần 6.000 tỷ đồng.

Đến quý 4/2020, tập đoàn này quyết định dự phòng (làm sạch) cho khoản này và ghi hồi tố vào lỗ trên báo cáo tài chính năm 2019.

Cụ thể, nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 của HAGL trước đây, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 91 tỷ đồng và 253 triệu đồng thì ở báo cáo tài chính quý 4/2020, sau khi được trình bày lại, con số này tăng lên 2.938 tỷ đồng (dài hạn) và 2.209 tỷ đồng (ngắn hạn).

Về diễn biến trên thị trường chứng khoán, trong phiên hôm qua, chỉ số vẫn dao động đi ngang. Kết phiên, VN-Index tăng 2,6 điểm tương ứng 0,22% lên 1.177,64 điểm trong khi HNX-Index tăng 0,81 điểm tương ứng 0,34% lên 238,78 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,1 điểm tương ứng 0,13% còn 76,47 điểm.

Thanh khoản có phần tích cực hơn, tăng 3,4% so với phiên 22/2, đạt tổng cộng 18.133,7 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền đổ vào HSX đạt 15.168,4 tỷ đồng, vào HNX là 2.252,2 tỷ đồng và UPCoM là 713 tỷ đồng.

Do vẫn đang trong tuần tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ngoại nên khối ngoại bán ròng 644,4 tỷ đồng.

Toàn thị trường trong phiên có 497 mã tăng giá, 61 mã tăng trần so với 365 mã giảm, 19 mã giảm sàn. Như vậy, chủ đạo của thị trường vẫn là trạng thái tăng.

Thị trường chịu áp lực vì một loạt "ông lớn" là SAB, MSN, VCB, VHM, VPB, VNM, FPT giảm giá. Tuy nhiên, phiên này vẫn chứng kiến đà bứt tốc của một số cổ phiếu như GVR tăng trần lên 29.900 đồng; TCB, GAS, MBB,HVN, VJC, VIC tăng giá.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm