1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội vàng quá dễ dàng"

An Linh

(Dân trí) - Đây là ý kiến của PGS. TS Trần Đình Thiên tại Hội thảo quốc tế Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa được tổ chức tại Học viện Tài chính sáng nay, 25/9.

Theo ông Thiên, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế bày tỏ lạc quan về triển vọng cơ hội vàng từ xu hướng hội nhập quốc tế, mới đây là dịch chuyển đầu tư, rồi dân số trẻ.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội vàng quá dễ dàng - 1

PGS, TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Tuy nhiên, nếu nhìn xuyên suốt thì: "Chúng ta thường bỏ qua nhiều cơ hội vàng quá dễ dàng thay vì đón nhận lấy chúng", ông Thiên nhấn mạnh.

Giải thích của ông Trần Đình Thiên khi cho rằng, Việt Nam từ khi bước vào hội nhập, người ta cũng nhắc đến cơ hội vàng để chúng ta đẩy mạnh thành quả, hoàn tất quá trình "đổi mới" đi lên. Tuy nhiên, sau gia nhập WTO xong, đất nước vẫn gặp khó khăn về nội tại, nhiều điểm nghẽn cơ chế kinh tế chưa được chuyển đổi.

Theo TS Trần Đình Thiên, đến nay kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi tham gia hàng loạt FTA mới như: CPTPP, EVFTA rồi xu hướng dịch chuyển FDI khỏi Trung Quốc để né thương chiến, hay Cách mạng công nghiệp 4.0... đều được các chuyên gia quốc tế ví von là cơ hội vàng cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng các ngoại lực, đưa đất nước đi lên. Nếu chậm sửa đổi, thay đổi chính mình, cơ hội sẽ lại bị bỏ qua dễ hơn.

Ông Thiên ví dụ vấn đề các doanh nghiệp Việt hiện đang không tham gia được các chuỗi giá trị toàn cầu bởi năng lực yếu và sức mạnh nội tại, kỹ năng quản trị bị đánh giá kém. Trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khu vực, Việt Nam vẫn chỉ tiềm năng và là nhà xuất khẩu thô nhiều mặt hàng thực phẩm, rau quả và thủy sản.

"Chúng ta đang gặp vấn đề là thu hút FDI từ Trung Quốc do thương chiến Mỹ - Trung bùng phát mạnh mẽ và có thể kéo dài. Tuy nhiên, để thay thế ông công xưởng này không phải là chuyện đơn giản, ví dụ như ngành dệt may, chúng ta có dám chấp nhận các dự án nhuộm vào hay không, đây là đầu bài để giải bài toán xuất xứ C/O sản phẩm khi chúng ta thực hiện các cam kết về xuất xứ nguồn gốc hàng xuất khẩu?", PGS, TS Trần Đình Thiên nói.

Tại hội thảo, đặt vấn đề tăng trưởng xanh, bền vững, ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng, Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM) đặt vấn đề trong ngành điện, nếu sử dụng pin năng lượng mặt trời sau khi hết vòng đời tấm pin, những tấm pin được thải ra ngoài thị trường là các rác thải cực kỳ nguy hại cho môi trường. Chúng ta cần cam kết của doanh nghiệp về phát triển xanh nhưng cần bền vững, tuần hoàn.

Hơn nữa, theo ông Hiến, việc khuyến khích sử dụng túi giấy thay vì túi ni lông vô tình sẽ khiến khai thác gỗ ngày một nhiều, phá rừng gia tăng và việc này về lâu về dài chưa hẳn đã là bền vững.

Chuyên gia John Bruce Wells, từ tổ chức Deloitte (Mỹ), Giám đốc chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam lý giải: "Mối quan hệ tăng trưởng xanh phải đặt trong tăng trưởng bền vững. Nếu chỉ xanh trong ngắn hạn mà bỏ qua dài hạn sẽ khiến đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn".

Đối với vấn đề khuyến khích sử dụng túi giấy thay vì ni lông, ông John Bruce cho rằng cần doanh nghiệp ký cam kết truy xuất nguồn gốc gỗ sản xuất giấy, chỉ được phép sử dụng gỗ trồng không hoặc cấm sử dụng gỗ tự nhiên, điều này nhiều nước như Mỹ đã áp dụng và thành công.

Về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nói chung, lĩnh vực tăng trưởng xanh nói riêng, PGS, TS Lý Phương Duyên, Học viện Tài chính cho rằng, thế giới thay đổi Việt Nam cũng cần thích ứng để tránh thua thiệt.

"Trước đây, khi nghiên cứu xu hướng thuế trong động lực thúc đẩy đầu tư FDI, chúng tôi tìm hiểu trong 11 yếu tố, chính sách và ưu đãi thuế chỉ đứng ở vị trí thứ 8. Nhưng gần đây, xem xét các báo cáo của Worldbank và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chúng tôi thấy rằng, các chính sách và ưu đãi thuế là tác nhân thứ 5 trong số 15 tác nhân thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Như vậy, thế giới đã thay đổi, quan niệm về thuế, ưu đãi của các nhà đầu tư đã khác so với trước đây, buộc chúng ta phải thích ứng để tránh tụt hậu, thua thiệt".

Cũng theo bà Duyên, các nước phát triển đang có động thái giảm các loại thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, doanh thu, xuất nhập khẩu...) thay vì giảm các loại thuế trực thu (thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản, thuế lợi tức...) để kích thích thị trường. Đây cũng là yếu tố mà các cơ quan quản lý tại Việt Nam phải xem xét để thích ứng nhằm theo kịp hội nhập.