1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

PGS.TS. Trần Đình Thiên: "Ngân hàng đã phải trả giá cho những sai lầm"

(Dân trí) - “Có thể nói, 5 năm qua là 5 năm mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng phải “trả giá” cho những sai lầm, những yếu kém, non nớt của giai đoạn trước để lại", PGS. TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn nhận xét.

“Không thể tái cơ cấu ngân hàng theo kiểu rối đâu gỡ đó”

Thảo luận tại Hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” do Viện Kinh tế Việt Nam và Tạp chí điện tử Diễn đàn Đầu tư tổ chức sáng nay 23/10, PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Sau 3 - 4 năm vật lộn với quá trình tái cơ cấu trên cả ba trục ưu tiên, với những kết quả bước đầu đạt được cho thấy, tái cơ cấu là một nhiệm vụ rất khó khăn, không thể tái cơ cấu theo kiểu “đánh cờ nước một”, “rối đâu gỡ đấy”, “đau đâu tiêm đấy”.

"Để tái cơ cấu thành công rõ ràng không thể chỉ “chăm chăm” vào các vấn đề cụ thể đang đối mặt, phải có một tầm nhìn xa cả về hai phía đã qua và sắp tới. Bất kỳ sự ảo tưởng hay hạ thấp mục tiêu nào đều chứa đựng khả năng dẫn tới sai lầm trong chiến lược hành động", ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Thiên cho rằng, toàn bộ hệ thống ngân hàng cùng nền kinh tế đang phải giải quyết hậu quả giai đoạn trước để lại, là giai đoạn phát triển "nóng" của hệ thống ngân hàng, không đánh giá đúng mức những rủi ro tiềm năng trong quá trình tạo lập, phát triển hệ thống.

 


PGS.TS. Trần Đình Thiên: Ngân hàng đã phải trả giá cho những sai lầm

PGS.TS. Trần Đình Thiên: "Ngân hàng đã phải trả giá cho những sai lầm"

 

Bên cạnh đó, hậu quả cũng đến từ cách tăng trưởng dễ dãi, dựa nhiều vào "nguồn cung vốn dễ" và cách kinh doanh nặng tính đầu cơ, chộp giật của nhiều doanh nghiệp. Vay dễ, phục vụ “phong trào” đầu cơ bất động sản, chứng khoán, tạo nên các “bong bóng”.

“Di sản trực tiếp để lại cho hệ thống ngân hàng là khối lượng nợ xấu lớn, “cục máu đông” rất khó tan của cơ thể kinh tế được cấu trúc chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất non trẻ và yếu kém. Có thể nói 5 năm qua là 5 năm mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng phải “trả giá” cho những sai lầm, những yếu kém, non nớt của giai đoạn trước để lại", ông Thiên thẳng thắn nhận xét.

Do đó, ngân hàng không phải chỉ xử lý vấn đề của riêng từng ngân hàng và của hệ thống của mình mà còn phải góp phần “tháo gỡ” các vấn đề chung như phải giúp vực dậy hàng ngàn, hàng chục ngàn doanh nghiệp.

4 nhóm vấn đề ngân hàng phải xử lý

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thiên, chúng ta vẫn phải nhìn lại quá trình tái cơ cấu và quả thực có điểm căn bản là sau 4 năm mới thấy tái cơ cấu khó khăn như nào.

“Có lần tôi nói với Thống đốc Bình rằng, tái cơ cấu là tốt lên rồi nhưng nguy cơ cực lớn do hệ thống doanh nghiệp yếu làm nền tảng gắn với ngân hàng không thể vận hành tốt được”, ông Thiên kể.

Do đó, theo ông Thiên, có 4 nhóm vấn đề ngân hàng phải xử lý.

Thứ nhất, bản thân ngân hàng có vấn đề. Việt Nam có “hội chứng” từ mía đường, bia, xi măng, đại học, ngân hàng cũng có nguy cơ hội chứng là thành lập thương mại cổ phần và từ ngân hàng nông thôn thành đô thị, phát sinh nhiều vấn đề, ẩn sau đó là nền móng của sở hữu chéo.

Thứ hai, nền kinh tế áp dụng quá lâu mô hình tăng trưởng trong đó mô hình tăng trưởng dựa vào vốn tín dụng dễ dàng. Được tuyên truyền là cơ hội của nền kinh tế, về mặt nguyên lý là “ngon” nhưng càng ngon càng chứa đựng nhiều rủi ro đẩy ngân hàng vào rủi ro.

Thứ ba, ngân hàng phải gánh vác nhiệm vụ, nhiều việc không phải của mình. Từ hệ thống ngân hàng chỉ phục vụ nhà nước sang nhân dân nhưng vừa qua ngân hàng nhà nước lại chuyển sang phục vụ nhà nước. Điều này đang đặt ra câu chuyện nhiều vấn đề phải bàn. Khi ngân hàng làm nhiều việc không phải của mình không làm giỏi được thậm chí sai, cái sai nghiêm trọng là chức năng. Hiện tái cơ cấu ngân hàng cần xem lại.

Thứ tư, khi nền kinh tế rơi vào khẩn cấp thường sử dụng nhiều biện pháp hành chính. Sau khi vào WTO lạ lùng là đáng nhẽ thị trường hoá nhiều hơn. Chính những biện pháp hành chính mang tính chữa cháy càng làm bất ổn tăng thêm.

Cho nên 4 yếu tố đó, bàn về tái cơ cấu ngân hàng bắt nguồn từ hệ nguyên nhân nào phải xử lý từ nguyên nhân đó.

“Tái cơ cấu ngân hàng có nhiệm vụ phải kéo hệ thống ngân hàng, gồm cả NHNN và các ngân hàng thương mại, trở lại quỹ đạo chức năng của chính mình. Đó thực sự là một nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là khi ngân sách Nhà nước thường xuyên thiếu hụt. Đây cũng là một lý do quan trọng làm cho tiến trình tái cơ cấu khó nhanh, chưa đạt được kết quả dự kiến”, ông Thiên cho hay.

Nguyễn Hiền

 

PGS.TS. Trần Đình Thiên: "Ngân hàng đã phải trả giá cho những sai lầm" - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm