Petrovietnam cung ứng khí vượt kế hoạch cho phát điện và đời sống sản xuất

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tăng trưởng so với cùng kỳ, cung ứng nguồn nhiên liệu khí vượt kế hoạch cho sản xuất điện, cũng như cho các ngành công nghiệp khác và đời sống.

Tháng 6/2023, sản lượng khai thác khí của Petrovietnam đạt 0,72 tỷ m3, vượt 59,9% kế hoạch tháng. Lũy kế toàn quý II/2023, sản lượng khai thác đạt 2,19 tỷ m3, tăng 11,3% so với thực hiện quý trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng khí khai thác đạt 4,16 tỷ m3, vượt 27,1% kế hoạch 6 tháng, bằng 70,1% kế hoạch năm 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Petrovietnam cung ứng khí vượt kế hoạch cho phát điện và đời sống sản xuất - 1
Petrovietnam cung ứng nguồn nhiên liệu khí vượt kế hoạch cho sản xuất điện, cũng như cho các ngành công nghiệp khác và đời sống (Ảnh: Petrovietnam).

Với sản lượng khai thác như trên, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị thành viên của Petrovietnam trong 6 tháng đầu năm đã sản xuất và cung cấp trên 3,9 tỷ m3 khí khô, 46.400 tấn condensate, gần 1,1 triệu tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế gần 0,3 triệu tấn).

PV GAS tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước. Hiện thị phần bán lẻ LPG của PV GAS là gần 25% trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

6 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ khí khô của khách hàng điện đạt 104% kế hoạch Petrovietnam giao, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ bằng 96% kế hoạch của Bộ Công Thương (khu vực Đông Nam Bộ đạt 98% kế hoạch, Tây Nam Bộ đạt 91% kế hoạch) do huy động điện khí vẫn ở mức thấp.

Khách hàng ngành đạm tiêu thụ khí đạt 101% kế hoạch, nhưng khách hàng công nghiệp tiêu thụ khí ở mức thấp, chỉ bằng 96% kế hoạch và bằng 93% cùng kỳ 2022.

Petrovietnam cung ứng khí vượt kế hoạch cho phát điện và đời sống sản xuất - 2
Nhập khẩu LNG để gia tăng nguồn năng lượng và góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải CO2 (Ảnh: Petrovietnam).

Với sản lượng khí nguyên liệu được cung cấp ổn định, vượt kế hoạch, các nhà máy sản xuất phân bón của Petrovietnam hoạt động ở công suất cao. Trong 6 tháng, công suất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt 114,2%, Nhà máy Đạm Cà Mau đạt 116,2%.

Sản xuất điện của Petrovietnam cũng vượt cao so với kế hoạch với nỗ lực đáp ứng đủ nguồn khí cho vận hành các nhà máy điện, cung ứng điện tối đa cho thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn thiếu điện cao điểm mùa hè vừa qua. Tính chung 6 tháng, sản xuất điện của Petrovietnam đạt 12,66 tỷ kWh, vượt 4,5% kế hoạch 6 tháng, bằng 52,7% kế hoạch năm 2023 và tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2022 (7,95 tỷ kWh).

Đại diện Petrovietnam cho hay kết quả trên là nỗ lực rất lớn của tập đoàn trong bối cảnh sản lượng của một số hệ thống khí (gồm Cửu Long, Nam Côn Sơn 1, Hàm Rồng - Thái Bình) giảm so với cùng kỳ năm 2022, một số lô/mỏ của các hệ thống khí thực hiện dừng/giảm cấp khí về bờ để thực hiện bảo dưỡng sửa chữa/khắc phục lỗi hệ thống thiết bị.

Ngoài ra, biến động giá cùng với diễn biến của giá dầu Brent, giá CP của LPG giảm so với cùng kỳ cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh chung của tập đoàn.

Vượt qua khó khăn, Petrovietnam và PV GAS đảm bảo tất cả hệ thống, công trình khí vận hành an toàn và hiệu quả, cấp khí, sản phẩm khí liên tục cho các nhà máy điện cũng như các ngành công nghiệp khác và đời sống.

Các đơn vị cũng thực hiện chế độ vận hành tối ưu, gia tăng sản lượng sản xuất, đảm bảo công tác bảo dưỡng sửa chữa, kiểm định hiệu chuẩn triển khai theo quy trình, chất lượng và an toàn, đồng thời tập trung mở rộng thị trường, thị phần để tăng sản lượng.

Vừa qua, Petrovietnam và PV GAS đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kho cảng LNG Thị Vải giai đoạn 1 và nhập khẩu thành công chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam. Hiện cơ sở này đang tiến hành chạy thử nhằm sớm đưa ra thị trường, mở ra một lĩnh vực mới cho ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam.

Theo lãnh đạo tập đoàn, đây là hướng đi phù hợp với xu thế của thế giới, qua đó đa dạng nguồn cung năng lượng cho đất nước, trong bối cảnh nguồn khí thiên nhiên trong nước đang suy giảm, các mỏ khí lớn mới chưa được đưa vào khai thác theo đúng tiến độ, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải CO2 của quốc gia.