1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Petro Vietnam “tường trình” về Ngân hàng Hồng Việt

(Dân trí) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã chính thức thông báo rộng rãi với báo chí về việc “không tiếp tục cùng tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, tập đoàn sẽ chỉ tham gia góp vốn tại một ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động”.

Trước thông tin về việc rút vốn ra khỏi Ngân hàng Hồng Việt, chiều 28/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thông tin cụ thể gửi báo chí.

Theo Petro Vietnam, việc dừng góp vốn thành lập Ngân hàng Hồng Việt là “để góp phần kiềm chế lạm phát và cắt giảm chỉ tiêu đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 970/TTg-KTTH ngày 25/6/2008 về việc thực hiện biện pháp kiềm chế lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”.

Do đó, vào ngày 10/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có công văn số 4910/DKVN-HĐQT trình Thủ tướng Chính phủ về việc sẽ không tiếp tục cùng tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt (trước đây là Ngân hàng TMCP Dầu khí).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ chỉ tham gia góp vốn tại một ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động.

Với chủ trương đó, Petro Vietnam đã tiến hành trao đổi, thỏa thuận với một số ngân hàng trong nước còn hạn chế về quy mô, vốn điều lệ và khả năng kinh doanh về chủ trương định hướng hợp tác góp vốn, mua cổ phần nhằm tái cấu trúc thành một ngân hàng đủ năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững hệ thống tổ chức tín dụng trong nước.

Trên cơ sở xem xét, đánh giá các thỏa thuận đạt được, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thấy rằng: “Giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP-Bank) đã có một Hợp đồng góp vốn mua cổ phần và hợp tác chiến lược được ký kết năm 2006, trong đó quy định rõ lộ trình tham gia tăng tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại GP-Bank.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã lựa chọn Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu - ngân hàng Tập đoàn đang nắm trên 9,5%/vốn điều lệ - làm đối tác để tiếp tục góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ sắp tới là phù hợp với các cam kết giữa hai bên tại Hợp đồng góp vốn mua cổ phần và hợp tác chiến lược đã ký trước đây.

Việc mở rộng hợp tác, đầu tư của Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam vào GP-Bank là phù hợp với nguyện vọng của cả hai bên và xu hướng củng cố tăng cường năng lực hệ thống tín dụng trong nước giai đoạn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Việc xử lý những vấn đề còn lại liên quan với các cổ đông đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đảm bảo bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ của các cổ đông đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao đổi, thống nhất với các cổ đông và đã được Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Hồng Việt thông qua ngày 24/7/2008.

“Việc tiếp tục các thủ tục xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Ngân hàng TMCP Hồng Việt là phụ thuộc vào nguyện vọng, quyết định của các cổ đông còn lại trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí, quy định của Ngân hàng Nhà nước”, Petro Vietnam nhấn mạnh.

Ngân hàng Hồng Việt, tên trước đây là Ngân hàng TMCP Dầu khí, được thành lập bởi Petro Vietnam và 5 cổ đông. Theo đăng ký ban đầu, vốn điều lệ dự kiến là 5.000 tỷ đồng. Đến nay các cổ đông sáng lập đã góp được 2.500 tỷ, trong đó Tập đoàn Dầu khí góp 1.000 tỷ đồng; VIBBank 450 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng không 150 tỷ đồng; Tập đoàn Hòa Phát: 400 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư tài chính I.P.A và Tổng công ty Nước giải khát - Rượu - Bia Hà Nội, mỗi đơn vị góp 250 tỷ đồng.
 
Trước Petro Vietnam, Tập đoàn Hòa Phát đã gửi kiến nghị lên Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt xin rút lại 300 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng đã góp.  
 
Nguyễn Hiền