Petro Vietnam sẽ thế nào khi tái cấu trúc?
(Dân trí) - Đề án tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo hướng đổi mới, cơ cấu lại Tập đoàn tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Tập trung kinh doanh 5 lĩnh vực chính
Theo Đề án tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa trình lên Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2012 - 2015, Petro Vietnam sẽ thực hiện tái cơ cấu dựa trên nguyên tắc và nội dung cơ bản là tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi. Bao gồm: thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; trong đó, tập đoàn lấy thăm dò khai thác dầu khí làm nòng cốt.
Đồng thời, tập đoàn cũng hoàn thiện chuỗi giá trị của hoạt động dầu khí từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, lọc hóa dầu, chế biến khí đến kinh doanh phân phối các sản phẩm dầu khí và điện phù hợp với chiến lược phát triển.
Ngoài ra, theo nguyên tắc trong tái cấu trúc, Petro Vietnam sẽ từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý; Rà soát và xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các doanh nghiệp, đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 để giảm thiểu tiến tới loại bỏ cạnh tranh nội bộ. Các đơn vị trong tập đoàn được hỗ trợ thực hiện tái cấu trúc như việc xử lý, đào tạo lao động dôi dư, vốn.
Tập đoàn cũng xây dựng lộ trình để đến 2015, chỉ có Petro Vietnam mới có công ty liên kết, các tổng công ty chỉ có các khoản đầu tư tài chính linh hoạt để tối đa hóa lợi nhuận với một tỷ lệ cho phép tối thiểu và cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Khó thu hồi số vốn ban đầu?
Đóng góp ý kiến cho đề án của Petro Vietnam, ông Lại Văn Xuân, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, đề án còn nhiều nội dung khá “mờ nhạt” như tái cơ cấu về tài chính, nhất là tái cơ cấu lại nợ, vốn cho các dự án đã được phê duyệt… Đề án cũng cần rạch ròi về việc một số công ty con của Tập đoàn có vốn điều lệ quá nhỏ so với quy mô hoạt động, các hợp đồng mua bán giữa Tập đoàn - Công ty mẹ và Công ty con.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) nhận định: Đề án tái cấu trúc đưa ra những phương án rất quyết liệt và nhất quán, nhưng để thực hiện được không dễ.
Bởi chỉ riêng với công tác tái cơ cấu nội bộ để tập trung vào những ngành chính, thoái vốn ở những ngành không liên quan trước năm 2015 cũng đặt doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn. Và khả năng để Petro Vietnam thu hồi toàn bộ vốn ban đầu rất khó.
Ông Lại Văn Xuân tính toán trên phương diện hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp thoái vốn thời điểm này sẽ lỗ, khả năng chỉ thu về được khoảng 50% vốn ban đầu.
Về phía cơ quan chủ quản, ông Khiếu Hữu Bộ, Phó trưởng Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay: Bộ Công Thương thống nhất với Tập đoàn về mục tiêu tái cấu trúc Petro Vietnam trở thành doanh nghiệp Nhà nước tốt nhất, là trụ cột của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng bình quân 18 - 20%/năm trong 5 năm tới.
Với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí và công nghiệp điện, Bộ Công Thương đề nghị Petro Vietnam, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí xem xét phương án sắp xếp lại 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng và Công ty TNHH MTV Điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước.
Còn về lĩnh vực công nghiệp điện, Bộ Công Thương đề nghị sau khi Petro Vietnam sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị thành viên của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) thì cần phải có định hướng đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp này để bảo đảm phù hợp với lộ trình phát điện cạnh tranh; cần xem xét thêm việc định hướng để PV Power tham gia vào lĩnh vực truyền tải điện.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc của Petro Vietnam, đây mới là đề án tổng thể, sau khi trình Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn sẽ làm việc cụ thể với các đơn vị thành viên để xây dựng những phương án triển khai thực hiện. Qua đây, đại diện Petro Vietnam mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ Tập đoàn thoái vốn đầu tư trái ngành, đầu tư vào các đơn vị thành viên.
Nguyễn Hiền