Ông Vũ Tiến Lộc: Giảm biên chế sẽ không phải dồn dập tăng thuế, tận thu người dân

(Dân trí) - Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, để lấy nguồn cho đầu tư được thực hiện tốt hơn thì chúng ta sẽ không phải tăng thuế, phí dồn dập, tận thu khiến người dân bức xúc.

Ông Vũ Tiến Lộc.
Ông Vũ Tiến Lộc.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội kỳ họp 5 Quốc hội XIV sáng nay (ngày 25/5), ông Vũ Tiến Lộc (đại biểu tỉnh Thái Bình) đánh giá, hai năm qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội đã có những bước chuyển biến tích cực, thể hiện trên nhiều mặt.

Theo ông Lộc, tốc độ tăng trưởng đã đạt mức trung bình 6,5%/năm, cải thiện đáng kể so với mức 5,9% của giai đoạn 2011-2015. Xuất khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao và nền kinh tế đã xuất siêu trở lại. Lạm phát được kiềm chế vững chắc ở mức dưới 4%, tỷ giá nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Các nguồn lực trong dân đã dần chuyển hóa từ vàng, ngoại tệ sang tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam, số doanh nghiệp thành lập mới, cũng tăng nhanh. Lãi suất huy động trái phiếu chính phủ cũng giảm mạnh, áp lực nợ công vượt trần 65% GDP giảm đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn được kiềm chế ở mức thấp, dưới 4%. Mỗi năm có trên 1,5 triệu lao động có việc làm mới, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện.

Giảm biên chế tránh dồn dập tăng thuế phí

Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, những kết quả đạt được nói trên cũng chỉ là thành công ban đầu và chủ yếu nhờ vào các giải pháp mang tính ngắn hạn cộng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết một cách căn cơ.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ông Lộc cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về “cách mạng 4.0”, nhưng nếu tư duy quản lý và các chính sách về giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ... không có những thay đổi căn bản thì lấy đâu ra nguồn nhân lực và phát minh, sáng chế để khởi nghiệp, để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

Ông Lộc cho rằng, về tài khóa, trong những năm qua, chúng ta cố gắng cân bằng ngân sách, khống chế nợ công bằng các khoản thu một lần như bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các Doanh nghiệp nhà nước. Khi các nguồn này dần cạn kiệt chúng ta phải chuyển sang tăng thu từ thuế.

"Nhưng nếu chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, để lấy nguồn cho đầu tư được thực hiện tốt hơn thì chúng ta sẽ không phải tăng thuế, phí dồn dập, tận thu khiến người dân bức xúc", ông nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng cần lưu ý rằng, tăng thuế quá mức sẽ tạo nên một sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Thêm vào đó, có một nghịch lý là, trong khi Chính phủ và các bộ ngành ra sức tìm giải pháp để tăng huy động vốn, thì tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm. Đây là một sự lãng phí lớn.

Cải cách thể chế: Nhiều bộ ngành chạy theo vụ việc, đối phó

Về cải cách về thể chế, theo ông Lộc, không thể phủ nhận rằng, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bổ sung, sửa đổi chính sách và pháp luật và đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính nhiêu khê liên quan đến nộp thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư và kiểm tra chuyên ngành...

Tuy nhiên, những thành quả này vẫn còn rất khiêm tốn so với những gì kỳ vọng và vẫn còn một khoảng cách không nhỏ so với những chuẩn mực hàng đầu của ASEAN và mong đợi của người dân. Những câu chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam, như “1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi...

"Một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ và từ dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó. Không ít tư lệnh ngành còn lơ là nhiệm vụ làm thể chế", ông nói.

Ông Lộc cũng chỉ ra rằng, một kế hoạch cải cách tổng thể nhằm giải quyết tận gốc rễ của vấn đề là cơ chế xin-cho hiện vẫn còn chưa được phác thảo.

"Nếu các bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu “luật ống, luật khung” và vẫn cần phải có các nghị định, thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thì tình trạng giấy phép con, cháu và các thủ tục hành chính rườm rà sẽ có nguy cơ không biến mất, mà lại biến tướng, phục hồi, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác, và vẫn đè nặng lên doanh nghiệp", ông Lộc nêu.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, việc giảm chi phí, cả chính thức và không chính thức, cho người dân và doanh nghiệp, bởi vậy, sẽ vẫn khó thực hiện triệt để. Và trần thể chế sẽ vẫn là cản trở những nỗ lực sáng tạo của các địa phương và cơ sở. Sự chững lại của các “ngôi sao cải cách” trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 đã minh chứng cho hiện tượng này.

"Thủ tướng vẫn thường nhắc: “Thể chế, thể chế và thể chế !”. Cải cách thể chế là động lực của sự phát triển. Để tập trung vào nhiệm vụ cải cách thể chế, các cơ quan Chính phủ cần phải được giải phóng khỏi những việc mà xã hội, thị trường và cấp dưới có thể làm", ông nói thêm.

Theo hướng này, ông Lộc cho rằng, cần đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, bỏ nhanh chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước của các bộ ngành, đẩy mạnh xã hội hóa và chuyển giao dịch vụ công, trong đó có các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cho xã hội và thị trường, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương và cơ sở theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội …

Phương Dung

Ông Vũ Tiến Lộc: Giảm biên chế sẽ không phải dồn dập tăng thuế, tận thu người dân - 2