Bộ Tài chính đứng đầu cả nước về số lượng biên chế
(Dân trí) - Bộ Tài chính quyết định giao 70.771 chỉ tiêu biên chế công chức năm 2018 cho các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, cơ quan thuế chiếm tới gần 41 nghìn chỉ tiêu (khoảng 57%).
Bộ Tài chính vừa có quyết định về việc giao biên chế công chức năm 2018 cho các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Theo đó, Bộ này quyết định giao 70.771 chỉ tiêu biên chế công chức năm 2018 cho các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ Tài chính.
Trong đó, cơ quan Bộ 1.533 chỉ tiêu, Tổng cục Thuế chiếm số lượng lớn nhất lên tới 40.983 chỉ tiêu, Kho bạc Nhà nước 14.756 chỉ tiêu, Tổng cục Hải quan 10.250 chỉ tiêu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước 2.883 chỉ tiêu, Uỷ ban Chứng khoán 366 chỉ tiêu.
Tổng biên chế công chức năm 2018 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng)… là 265.106 biên chế, trong đó riêng Bộ Tài chính là hơn 70 nghìn người.
Hiện nay, Bộ Tài chính đứng đầu cả nước về số lượng biên chế của các cơ quan, bộ, ngành thuộc Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2018.
Theo quyết định, tổng biên chế công chức năm 2018 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế công chức dự phòng và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 265.106 biên chế.
Theo một báo cáo của Chính phủ hồi cuối năm 2017, giai đoạn 2011 - 2016, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, tăng đầu mối bên trong, với nhiều tầng nấc trung gian. Đáng lưu ý, con số về việc Bộ Tài chính có tới 181 cục trưởng cũng gây nóng dư luận tại thời điểm đó.
Trong Nghị quyết số 04-NQ/BCSĐ mới được ban hành, Bộ Tài chính đặt mục tiêu, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tinh gọn, thực hiện giảm các Cục, chi cục, tổ (đội) và tương đương của các Tổng cục và tương đương, giảm tối thiểu 10% biên chế toàn Ngành so với năm 2015.
Mới nhất, Bộ này ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2020, đảm bảo mục tiêu giảm tối thiểu 50% tổng số các chi cục thuế hiện có trong toàn ngành.
Phương Dung