1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại biểu Quốc hội lo "phình" biên chế khi cơ quan cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương

(Dân trí) - Nhiều đại biểu lo ngại về bộ máy cồng kềnh của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng như nguy cơ tham nhũng chính sách khi trao quá nhiều quyền cho cơ quan này.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng).
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng).

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về dự Luật Cạnh tranh. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến lo ngại cơ quan cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công Thương sẽ khiến bộ máy Bộ Công Thương bị "phình to" trong khi vẫn không đảm bảo tính độc lập trong xử lý các vụ việc cạnh tranh.

"Tại nhiều nước cơ quan này là tổ chức, thực thi quyền hạn độc lập. Không nên để thuộc Bộ Công Thương để đảm bảo tính độc lập trong điều tra các vụ việc", ông Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) nói.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lo ngại chuyện sẽ tăng thêm biên chế khi vừa có cơ quan cạnh tranh vừa có Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Ông cũng đề nghị làm rõ chủ thể nào sẽ quyết định lập Cơ quan cạnh tranh quốc gia.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng lo ngại về bộ máy cồng kềnh của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng như nguy cơ tham nhũng chính sách khi trao quá nhiều quyền cho cơ quan này.

"Cần xem xét lại quy đinh về bộ máy của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vì như dự thảo, bộ máy này khá "đồ sộ, công kềnh", có nguy cơ làm phình to bộ máy của Bộ Công Thương. Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) giao quá nhiều quyền cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Điều này dễ tạo ra cơ chế "xin-cho" và có nguy cơ xảy ra tham nhũng về chính sách", ông Sơn nói.

Vị đại biểu cho rằng, nên giao quyền điều tra hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh cho lực lượng công an và việc xử lý hành vi vi phạm cho toà án thay vì trao toàn bộ quyền điều tra, xử lý cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Đồng thời, cần phải làm rõ các tiêu chí về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế cũng như bổ sung quyền khởi kiện dân sự cho các tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh để họ có thể đòi bồi thường thiệt hại.

Liên quan tới nội dung này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc để cơ quan cạnh tranh thuộc Bộ này sẽ không "phình" thêm biên chế.

Còn theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, việc quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội. Điều này phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn.

Phương Dung

Đại biểu Quốc hội lo "phình" biên chế khi cơ quan cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương - 2