Ông Trương Gia Bình: Chính sách phải là bệ đỡ cho kinh tế 4.0 và hệ sinh thái AI
(Dân trí) - Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0), trí tuệ nhân tạo (AI) từ một ngành khoa học hiện đã trở thành động lực quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nhân tài người Việt trong lĩnh vực AI không ít song dường như Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng và đủ sức hấp dẫn với họ.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn FPT Việt Nam đã chia sẻ với báo giới về những cơ hội, thách thức của kinh tế số, AI tại Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo, khi đây được xem là một trong những động lực, lực lượng sản xuất mới của thế giới mà nhiều nước đã, đang tận dụng thành công vào quá trình phát triển, đổi mới đất nước mình.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra cuối năm 2018, ông từng nói 10% trong tổng số chuyên gia về AI trên thế giới là người Việt Nam, như vậy so với thế giới chúng ta có nhiều chuyên gia đang làm việc ở nước ngoài, làm thể nào để thu hút họ về phát huy tài năng tại quốc gia?
- Có ba vấn đề mà chúng ta cần chú ý trong thu hút nhân tài lĩnh vực công nghệ số, AI.
Một là cần những bài toán khó để trao cho họ làm, tài năng phải phát triển từ những bài toán, không có đề bài khó thì cũng không có cơ hội cho họ phát huy.
Hai là, khi giao đề bài, chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người tài không bị phân tán, lo nghĩ về vấn đề khác, chuyên tâm nghiên cứu.
Cuối cùng, phải đãi ngộ xứng đáng với thành quả họ làm ra, không chỉ ở vật chất mà tinh thần.
Theo ông, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thu hút, trọng dụng chuyên gia trong lĩnh vực AI nói riêng và công nghệ thông tin nói chúng là gì? Chúng ta có thể xây dựng đất nước phát triển hơn, hiện đại hơn dựa vào tiến bộ khoa học và công nghệ khi mà cơ sở vật chất của chúng ta còn hạn chế?
- AI, Cách mạng 4.0 giúp xoá khoảng cách phát triển và sự non yếu của hạ tầng cơ sở vật chất. Tận dụng AI, Cách mạng 4.0 sẽ giúp chúng ta đuổi kịp, đi bằng với các nước khu vực và có thể tiến nhanh ở nhiều lĩnh vực.
Tôi từng chia sẻ, không có cơ sở dữ liệu sẽ không có AI, người tài sẽ không về nước làm việc, không có hạ tầng dữ liệu cho ý tưởng, sáng tạo. Câu hỏi là năm 2019 Chính phủ, bộ ngành có dám từ bỏ tình trạng cát cứ dữ liệu, để doanh nghiệp nhà khoa học khai thác, sử dụng các dữ liệu nhân khẩu học, dữ liệu xã hội học để làm cơ sở cho phát triển, nghiên cứu tương lai.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu nằm lẻ tẻ, rải rác và phân tán khắp mọi nơi, nhiều bộ, ban ngành nắm giữ, quản lý. Ngay trong một đơn vị, thông tin cũng bị bó hẹp trong nhóm này, nhóm khác và không thể tiếp cận được.
Hệ thống dữ liệu này là nguồn tài nguyên vô giá, nhưng hiện nó đang giống như dầu mỏ vẫn nằm trong ổ dầu mà không dùng được, không thể hút lên tạo giá trị gia tăng.
Chúng ta phải biến nguyên liệu số thành tài nguyên và giá trị hữu dụng cho quốc gia. Những dữ liệu về nhân khẩu học, giới tính, thói quen tiêu dùng, tính cách tuổi hay con người, thị hiếu… đều là kho tài nguyên cho nhiều ngành, nghề khác nhau và phải có thời gian nghiên cứu dài, mất nhiều công sức mới tạo dựng và phát triển được.
Theo ông, dựa trên cơ sở nào, Việt Nam có cơ hội và điều kiện để trở thành đất nước của Cách mạng 4.0, vận dụng AI vào mọi mặt đời sống xã hội?
-Cách mạng 4.0 và AI là cơ sở hạ tầng để phát triển nền kinh tế số, lợi thế của nó là nguồn lực con người, ý thức sáng tạo và cơ chế rộng mở. Mọi quốc gia đều có cơ hội như nhau, ngang nhau.
Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, ý thức sáng tạo cao và linh hoạt trong ứng xử xã hội, đây là những vốn quý mà không phải quốc gia nào có được. Chúng ta có cơ cấu dân số vàng, đưa lực lượng này từ chỗ gia công, sang khu vực sáng tạo ý tưởng và phát triển tư duy.
Hiện nay, chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp làm phần mềm tốt, gia công phần mềm đủ sức cạnh tranh trên thị trường này. Nếu có những trung tâm ươm tạo, nơi phát triển họ sẽ là hạt nhân, nền móng cho sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận thực tế, hệ thống chính sách, tư duy của Việt Nam chưa theo kịp đối với sự trưởng thành, phát triển của kinh tế số, tiến bộ của Cách mạng 4.0. Một số điểm nghẽn chính sách đã, đang tạo ra rào cản đối với chính chúng ta và ngăn chúng ta đối với thế giới tiến bộ.
Phải thừa nhận sự thay đổi, cái mới và thách thức để biến nó thành cơ hội, nguồn lực và giảm chi phí xã hội trong phát triển. Chính sách không nên được xem là khuôn khổ luật pháp cứng nhắc mà phải là bệ đỡ, phục vụ cho các ngành kinh tế mới, lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế sẻ chia, kinh tế tri thức và hệ sinh thái AI.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền