1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, FLC vẫn trả hơn 304 tỷ đồng cho Hòa Bình

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Sau 3 năm có tranh chấp, FLC đã trả đủ số tiền cho Tập đoàn Hòa Bình, tính cả thời gian ông Quyết bị tạm giam.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố đơn vị được ủy thác đã hoàn tất thu về toàn bộ số công nợ từ Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) với số tiền hơn 304 tỷ đồng.

Theo đó, công ty luật được ủy thác cho biết Hòa Bình và FLC đã thống nhất về việc thanh toán toàn bộ công nợ liên quan đến hợp đồng xây dựng tại dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn của FLC tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tính đến ngày 12/10, Hòa Bình đã thu hồi được toàn bộ hơn 304 tỷ đồng, bao gồm hơn 270 tỷ đồng tiền mặt. 34 tỷ đồng nợ còn lại được cấn trừ bằng bất động sản tại dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn. Công ty FLC vừa hoàn tất ký văn bản chuyển nhượng bất động sản này.

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, FLC vẫn trả hơn 304 tỷ đồng cho Hòa Bình - 1

Ông Trịnh Văn Quyết (trái) từng làm Chủ tịch FLC và ông Lê Viết Hải (phải) đương nhiệm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình.

Tranh chấp giữa FLC và Hòa Bình đã kéo dài nhiều năm liên quan tới các hợp đồng thực hiện dự án FLC Sầm Sơn. Từ năm 2020, Hòa Bình đã kiện FLC ra TAND quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, đòi 42 tỷ đồng và được chấp thuận. Sau đó FLC kiện ngược lại Hòa Bình, cho rằng nhà thầu này có vi phạm về chất lượng và tiến độ xây dựng. 

Đến tháng 11/2020, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình. VIAC buộc FLC phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 234,8 tỷ đồng liên quan tới một hợp đồng khác, cũng tại dự án FLC Sầm Sơn.

Phán quyết có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực từ ngày 14/11/2020. Ngoài ra, trong trường hợp FLC không thực hiện thanh toán số tiền nêu trên quá 30 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực, FLC còn phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán với mức lãi suất 12%/năm đối với số nợ gốc hơn 163 tỷ đồng và 10%/năm đối với số tiền còn lại.

Tuy nhiên sau đó, FLC yêu cầu TAND TPHCM hủy phán quyết của VIAC. Nhưng TAND TPHCM đã bác bỏ yêu cầu của Tập đoàn FLC về việc hủy phán quyết của VIAC và quyết định phán quyết tiếp tục có hiệu lực chung thẩm, bắt buộc thi hành.

Thời điểm đó, Hòa Bình cho biết FLC đã thực hiện theo phán quyết của Trọng tài quốc tế và đã thanh toán đợt đầu tiên cho Hòa Bình (khoảng 20 tỷ đồng) cũng như tiếp tục thỏa thuận để thanh toán cho đợt tiếp theo.

Tháng 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Bản thân ông Quyết vẫn giữ lượng lớn cổ phần tại FLC. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm nay, ông Quyết sở hữu 30,3% vốn điều lệ FLC.

Tuy vậy, từ tháng 11/2020 đến ngày 12/10 năm nay, sau khoảng 3 năm, FLC vẫn tiếp tục hoàn tất các phán quyết và trả nợ cho Hòa Bình.

Ngoài việc thu hồi toàn bộ công nợ từ FLC, Hòa Bình cũng cho biết sắp tới có thể thu về tổng cộng 262 tỷ đồng. Thứ nhất là Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình, buộc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán gần 162 tỷ đồng.

Thứ 2 là Tòa án Nhân dân TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình và buộc Công ty TNHH Vì khoa học thanh toán hơn 100 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình - từng cho biết công ty có 21 vụ kiện về chậm thanh toán, có 10 vụ nhận được phán quyết của tòa. Tất cả các vụ đã được xử và Xây dựng Hòa Bình đều thắng kiện. Tổng số tiền theo phán quyết mà các bên phải trả cho Hòa Bình là 1.223 tỷ đồng bao gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh, tức cao hơn 47,5% so với số tiền nợ gốc.