Ông Trần Xuân Giá nhớ chuyện Cố Thủ tướng Phan Văn Khải nói chuyện "mày- tao"

(Dân trí) - "Điều tôi ấn tượng nhất khi nói về anh Khải là vị Thủ trưởng dân dã trong lời nói và ngôn từ, chuyện thưa gửi của cấp dưới với anh được lược bỏ rất nhiều. Khi nói chuyện, bàn về chuyện quốc gia đại sự mà không có người thứ 3 hoặc nhiều người, anh Khải thường nói chuyện với tôi với xưng hô "mày" - "tao".

Hồi tưởng về Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong chỉ đạo, điều hành kinh tế, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nguyên Tổ trưởng Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp nhắc đến đầy xúc động.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá

Là người từng sát cánh với cố Thủ tướng nhiều năm trước, trong và sau khi ông Khải rời nhiệm sở, ông có thể chia sẻ vài nét về cá nhân ông với nguyên Thủ tướng?

- Phải nói anh Khải là người rất gần gũi và thân tình. Tôi biết anh vì học cùng trường bên Liên Xô, anh học trước tôi một khoá. Sau này khi ra trường về nước, mối quan hệ ngày càng khăng khít hơn.

Về nước, anh Khải làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Phó Thủ tướng hiện nay), còn tôi làm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.

Khi anh Khải lên làm Thủ tướng, tôi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do thân quen nhau nên giữa tôi và cố Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều kỷ niệm riêng đầy ý nghĩa.

Điều tôi ấn tượng nhất khi nói về anh Khải là vị Thủ trưởng dân dã trong lời nói và ngôn từ, chuyện thưa gửi của cấp dưới với anh được lược bỏ rất nhiều. Khi nói chuyện, bàn về chuyện quốc gia đại sự mà không có người thứ 3 hoặc nhiều người, anh Khải thường nói chuyện với tôi với xưng hô "mày" - "tao".

Ngôn ngữ ấy từ khi ông Khải là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi đến khi Thủ tướng cũng vậy, điều này khiến tôi hoặc người đối diện cảm thấy gần gũi, thân tình. Bản thân tôi khi nói chuyện với anh Khải xưng "anh" - "tôi" nên đề cập vấn đề rất dễ dàng, tự nhiên.

Tôi chỉ mong muốn mọi người nói chuyện với nhau về công việc hành chính, nếu để có được thành công thì nên bắt đầu từ quan hệ giữa người và người, nó thế nào thể hiện ra bên ngoài thế ấy.

Người ta nhắc đến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về chuyện "thích" chuyện cấp dưới nói ra những lời phản biện thẳng chính sách, đường lối, điều này ông đã trải qua?

- Thường thì ông Khải cho mọi người nói hết những cái ý của mình, thậm chí những lời nói trái lại với ý nghĩa của mình, các chính sách của Chính phủ, thậm chí kể cả đường lối, Nghị quyết.

Là Thủ tướng nhưng ông Khải không hề phản ứng gay gắt, hoặc để bụng, nguyên Thủ tướng chỉ ngồi nghe, trao đổi làm rõ vấn đề mà sau đó ai cũng thoả lòng, thoả dạ.

Luật Doanh nghiệp ra đời có nhiều điểm mới từ tư duy, đến hành động; chắc chắn những trở ngại là rất nhiều trong thời gian đầu bởi đây là lần đầu tiên có một chính sách ra đời giúp tháo gỡ cho doanh nghiệp, nền kinh tế được giải phóng mọi sức cản?

- Tôi ấn tượng lớn nhất với anh Khải là yếu tố thời gian, khi ra Luật, yếu tố thời gian rất quan trong; các văn bản hướng dẫn phải ban hành đồng thời với thời gian ban hành Luật thì mới đảm bảo không có độ trễ chính sách và hiệu quả tốt.

Tất cả văn bản do Chính phủ, ký và ban hành sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đảm nhiệm chỉ trong vòng 1 tháng 28 ngày. Tôi nhớ không nhầm thì đến nay những văn bản dưới Luật là Nghị định, Thông tư hướng dẫn chưa có cái nào vượt qua được, vẫn phải đợi khá lâu.

Luật ra đời sớm, chính sách hướng dẫn kịp thời, nhưng để đi vào đời sống thực sự hiệu quả thì phải làm gì? Câu trả lời là sau đó Chính phủ đã lập Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp, do tôi làm tổ trưởng cùng các chuyên gia khác như TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Uông Chu Lưu, ông Phạm Viết Muôn và bà Phạm Chi Lan... đã đứng ra đốc thúc các bộ thực hiện và kiểm soát việc thực hiện ấy

Nếu không có Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp thì trông chờ các Bộ, ngành, địa phương "con cà, con kê" thì không biết bao giờ Luật này mới đi vào cuộc sống, phá vỡ được các rào cản, giấy phép con.

Nguyên Thủ tướng luôn trăn trở, dù Luật có thoáng, có tốt đến đâu, nếu thi hành không tốt, không hiệu quả thì là vô nghĩa.

Luật Doanh nghiệp ra đời đã là một thành công, nhưng để đi vào cuộc sống đã phải làm rất nhiều biện pháp, bởi dường như đây là bộ luật đầu tiên tước bỏ quyền lực của các bộ, ngành và mở cửa cho nền kinh tế?

- Anh Khải rất kiên quyết trong quy định thời gian ban hành các cơ chế, chính sách và hối thúc cấp dưới thực hiện. Ông ấy luôn tâm niệm thời gian là vàng. Muốn đất nước phát triển thì phải rút ngắn nhất thời gian hành chính, xử lý văn bản, còn nếu cứ làm theo đúng quy trình thì mãi chúng ta không đuổi kịp ai cả.

Ông Khải dù làm Thủ tướng nhưng ông quan tâm cả việc nhỏ để kinh tế phát triển. Tăng trưởng cao, lạm phát thấp suốt thời kỳ ông tham gia Chính phủ là minh chứng cho điều ấy.

Nhưng phải nói là vấn đề ông quan tâm nhất là thị trường và cơ sở vật chất cho người nông dân, cho hàng hoá nông nghiệp. Nhìn thấy người dân sản xuất ra hàng hoá nhưng không thể tiêu thụ được, thì vấn đề ở đây là thị trường, về đường sá. Chỉ cách chỗ tiêu thụ 5 - 6km mà người dân phải bán rẻ, thậm chí đổ bỏ sản phẩm do không chuyên chở được.

Chính vì thế, việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn thời ông Khải được đầu tư mạnh mẽ theo hình thức, nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo ông, những bài học nào cần cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo trong công tác chỉ đạo, điều hành của nguyên Thủ tướng những năm đầu đổi mới?

- Cái mà chúng ta cần học tập ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là việc khai thác phát triển là tiềm năng. Việc nhìn ra khó khăn cho doanh nghiệp, phá bỏ tư duy cũ trì trệ hay giấy phép con... đã thay đổi từ nếp nghĩ "người dân làm bất kỳ cái gì phải dược Nhà nước cho phép" sang "người dân có thể là bất kỳ cái gì mà luật pháp không cấm".

Thời kỳ ông làm Thủ tướng, toàn bộ kinh tế vĩ mô là do Thủ tướng nắm và chỉ đạo nên nền kinh tế mới có thể ổn định hơn 16 năm với nhiều năm tăng trưởng rất cao.

Là người gắn bó nhiều năm với cố Thủ tướng, chắc hẳn ông đã có nhiều trao đổi với ông Khải sau khi hai ông nghỉ công tác, có kỷ niệm nào đáng nhớ của ông đối với nguyên Thủ tướng?

- Ông Khải sau khi về hưu làm rất nhiều việc vận động giúp dân có ý nghĩa; về cố vấn và góp ý, sau này ông cũng tham gia với Chính phủ với Nhà nước.

Trên quan hệ cá nhân tôi, tôi nói chuyện với anh Khải lần cuối cùng trong cuộc điện đàm kéo dài ngày 7/11/2017. Cũng chỉ mới đây thôi! Khi ấy anh ấy vẫn còn khoẻ. Sau này khi điện lại, anh Khải ho nhiều quá, nên chỉ nói: "Nay tao ho nhiều quá, không nói được nữa và từ đó đến nay...".

Tôi buồn lắm, buồn và rất buồn vì giữa chúng tôi có quá nhiều tâm sự, nhiều niềm vui xen lẫn kỷ niệm đáng nhớ gắn bó với nhau ngót cả cuộc đời.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

(Thực hiện)

Ông Trần Xuân Giá nhớ chuyện Cố Thủ tướng Phan Văn Khải nói chuyện "mày- tao" - 2