Ông Trần Bắc Hà: Một thời ngang dọc, cuối đời éo le

(Dân trí) - Hiếm có doanh nhân nào có sức ảnh hưởng như ông Trần Bắc Hà, và cũng không nhiều doanh nhân hơn 1 lần khiến thị trường chao đảo vì dính tin đồn bắt bớ như ông. Cả khi ông Hà đã về hưu, việc ông bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng cũng là một thông tin hút sự quan tâm của dư luận.

Trọn sự nghiệp ở BIDV

Trên thị trường tài chính Việt Nam không có nhiều lãnh đạo ngân hàng có vai vế và quyền lực như ông Trần Bắc Hà. Cả sự nghiệp của ông Hà gần như gắn trọn với BIDV. Ông có tới 35 năm làm việc và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT gần 9 năm tại ngân hàng này, một trong 4 ngân hàng gốc quốc doanh và thuộc top lớn nhất nước.

Nếu người xưa có câu “tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh,…” thì những vế đầu có vẻ như ứng với ông Hà.

Bắt đầu gia nhập BIDV năm 1981 khi 25 tuổi với tấm bằng cử nhân Tài chính kế toán, ông Hà mất 10 năm để trở thành Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định.

Đến tháng 10/1999 (khi đã ngoài 40), ông trở thành Phó Tổng giám đốc BIDV. Từ tháng 5/2003 đến tháng 12/2007, ông Trần Bắc Hà là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV và giữ chiếc ghế quyền lực này đến tận tháng 9/2016 khi nhận quyết định nghỉ hưu.

Thời ông Trần Bắc Hà, BIDV là một trong những ngân hàng gốc quốc doanh lớn nhất nhì cả nước
Thời ông Trần Bắc Hà, BIDV là một trong những ngân hàng gốc quốc doanh lớn nhất nhì cả nước

Từng không ít lần tham dự các sự kiện lớn với sự có mặt của ông Trần Bắc Hà, người viết luôn ấn tượng với phong thái và sự tự tin của nhân vật này.

Trong 10 năm ông Hà làm thuyền trưởng, tổng tài sản BIDV tăng gấp 4 lần lên 930.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ dưới 2.400 tỷ đồng lên gần 8.000 tỷ đồng. BIDV trở thành chỗ dựa lớn cho rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước trong huy động vốn. Tuy nhiên, đi song song với đó là nợ xấu của BIDV cũng tăng vọt từ gần 6.000 tỷ đồng năm 2008 lên hơn 13.000 tỷ đồng vào giữa 2016.

Năm 2014, BIDV “lên sàn” và cổ phiếu BID nhanh chóng trở thành một trong những mã có vốn hóa lớn nhất thị trường, tác động mạnh đến các chỉ số.

Vào tháng 8/2017, tin đồn ông Hà bị bắt đã nhấn chìm thị trường chứng khoán, đặc biệt là khiến cổ phiếu nhóm ngân hàng đỏ lửa. Chỉ trong 1 ngày 9/8, vốn hóa thị trường bốc hơi 1,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của ông Hà với giới đầu tư không phải chỉ sau khi BID niêm yết, mà trước đó, vào năm 2013, tin đồn thất thiệt tương tự liên quan đến ông Hà cũng đã “thổi bay” khoảng 1,6 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Quả thực, hiếm có doanh nhân nào có sức ảnh hưởng như ông Trần Bắc Hà, và cũng không nhiều doanh nhân hơn 1 lần khiến thị trường chao đảo vì dính tin đồn bắt bớ như ông.

Bị kỷ luật

Vụ xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNBC) là một trong những đại án chấn động dư luận giai đoạn này. Trong đó, sự liên quan và trách nhiệm của ông Trần Bắc Hà khiến nhiều người quan tâm.

Ông Trần Bắc Hà chính là người đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng cho 12 công ty do Phạm Công Danh đề xuất.

Cơ quan điều tra xác định, việc ông Danh sử dụng tiền của VNCB đảm bảo cho các công ty vay tiền gây thất thoát cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.

Nhiều lãnh đạo, nhân viên khác của BIDV được cơ quan điều tra xác định “có sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay” khi chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống. Tuy nhiên, sai phạm này không gây thiệt hại cho BIDV và không có căn cứ xử lý hình sự.

Cơ quan điều tra cũng xác định ông Trần Bắc Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay, và không biết các công ty này do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay.

Theo đó, cơ quan điều tra chỉ kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính. Mặc dù vậy, theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Với vai trò nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.

Nhiều tài sản lớn trong tay vợ con

Cuối năm 2017, đầu năm 2018, dư luận đặc biệt quan tâm đến hoạt động rút vốn đầu tư của vợ con ông Trần Bắc Hà, từ đó để lộ khối tài sản lớn của gia đình cựu Chủ tịch BIDV.

Theo đó, bà Ngô Kim Lan, vợ ông Hà, là Tổng giám đốc của Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, đơn vị chủ sở hữu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn 4 sao, tọa lạc trên khu đất nằm dọc theo bờ biển trung tâm TP Quy Nhơn, được xem là khu “đất vàng” ở đây.

Tuy nhiên, đầu tháng 1/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định xác nhận, đơn vị này đã được đổi tên người đại diện theo pháp luật.

Ngoài Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, gia đình ông Trần Bắc Hà được cho là đang sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn và đang triển khai nhiều dự án “khủng” tại các vị trí đắc địa giữa trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định).

Cụ thể, con gái ông Trần Bắc Hà là bà Trần Lan Phương đang là người đại diện pháp luật, giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (được thành lập năm 2014 với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng).

Con trai ông Trần Bắc Hà là ông Trần Duy Tùng là người sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú (được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng).

Năm 2017, liên danh 2 doanh nghiệp nói trên đã được chấp thuận thực hiện dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại khu đất K200 thuộc Khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn) với diện tích đất khoảng 10.840m2.

Mục tiêu của dự án là xây dựng khu tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và khách sạn với quy mô gồm 2 tòa tháp cao 39 tầng, tổng số phòng là 576. Trong đó, có 274 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê, 302 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, spa...

Đầu tháng 10 năm ngoái, ông Trần Duy Tùng (lúc đó 32 tuổi) đã rút khỏi Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Quy Nhơn, một đơn vị đang xảy ra lùm xùm vì những khuất tất trong quá trình cổ phần hóa diễn ra 5 năm trước.

Mai Chi (tổng hợp)

Ông Trần Bắc Hà: Một thời ngang dọc, cuối đời éo le - 2