1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ông Phùng Quốc Hiển: Đừng lo ngân sách bị sốc vì nợ công

(Dân trí) - Thừa nhận tỷ trọng trả nợ gốc và lãi trong ngân sách đang tăng rất nhanh gây sức ép lên nợ công tuy nhiên nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, không nên lo ngân sách bị sốc vì nợ công do Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm.

Ông Phùng Quốc Hiển đã được giới thiệu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV
Ông Phùng Quốc Hiển đã được giới thiệu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV

Bộ Tài chính mới đây cho biết, trong năm tới (tháng 7/2017), World Bank sẽ chấm dứt ODA ưu đãi cho Việt Nam, nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. Và giai đoạn trả nợ nhiều nhất của Việt Nam sẽ vào khoảng năm 2022-2025.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển cho biết, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, do đó, cơ chế vay ODA không thể như trước đây.

Nếu như trước, các khoản vay có lãi suất thấp, thời hạn ân hạn dài thì nay, điều kiện vay càng trở nên ngặt nghèo, chặt chẽ và yêu cầu công tác sử dụng vốn cũng phải chặt chẽ hơn.

"Bối cảnh hiện tại yêu cầu chúng ta phải nâng yêu cầu quản lý nguồn vốn vay. Ví dụ cho chính quyền địa phương vay lại chứ không nên cấp phát hoàn toàn khiến các địa phương hiểu rằng đó là khoản cấp ngân sách miễn phí, địa phương sử dụng nhưng trung ương trả nợ" - ông Hiển cho biết.

Theo đó, khi tiếp nhận nguồn vốn, các địa phương phải "cân - đong" xem phương án sử dụng có hợp lý không và khả năng trả nợ như thế nào. Tránh tình trạng địa phương quyết quy mô công trình, trung ương phải đi lo vốn. Tóm lại, đây là sự đổi mới hoàn toàn toàn trong quản lý vay và trả nợ, phải đặt tính đến hiệu quả lên trước.

Ông Hiển khẳng định quan điểm, dứt khoát phải đánh giá, quản lý chặt chẽ các khoản vay với những tiêu chí như thời hạn, lãi suất... Đã vay thì phải trả cả gốc, lẫn lãi. Rõ ràng nợ gốc đương nhiên phải trả, nhưng nếu khoản vay có lãi cao mà không quản lý chặt thì sẽ tác động rất lớn và rất nhanh lên ngân sách.

"Bây giờ ta thấy rõ ràng rằng, tỷ trọng trả gốc và lãi trong ngân sách đang tăng rất nhanh, làm sức ép nợ công tăng lên, chưa kể vấn đề yếu tố tỷ giá" - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, không nên coi đây là vấn đề "sốc" - "không nên dùng khái niệm này". Cụ thể, ông Hiển cho biết, việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm chính là một sự đổi mới để tránh sốc cho ngân sách.

"Xu thế phấn đấu là sau 2020, tỉ lệ nợ công trên GDP và bội chi sẽ giảm xuống, đặt mục tiêu đưa nợ công xuống dưới 60% GDP từ mức trần 65% GDP; bội chi ngân sách bình quân dưới 4% GDP" - ông Hiển cho hay.

Bích Diệp

Ông Phùng Quốc Hiển: Đừng lo ngân sách bị sốc vì nợ công - 2