Ông Phạm Nhật Vượng huy động hàng nghìn tỷ đồng cho VinFast, VinSmart
(Dân trí) - Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang liên tục phát hành trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng, trong đó một phần lớn nhằm tăng vốn cho VinFast và VinSmart.
Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) vừa có thông báo về việc chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng khối lượng trái phiếu chào bán là 69,75 triệu đơn vị, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và phát hành trong 3 đợt.
Trong đợt 1, có 15,15 triệu trái phiếu VICB2023001 được phát hành, huy động theo mệnh giá là 1.515 tỷ đồng. Đợt 2, tập đoàn phát hành 10 triệu trái phiếu VICB2124001 và 18,6 triệu trái phiếu VICB2124002, huy động 2.860 tỷ đồng. Đợt 3, phát hành 26 triệu trái phiếu VICB21240003, huy động 2.600 tỷ đồng theo mệnh giá.
Vingroup cho biết, tập đoàn này dự kiến sẽ dùng vốn huy động được từ trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, cụ thể là tăng vốn tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart.
Trong đó, ở đợt phát hành thứ hai, 1.000 tỷ đồng thu được từ 10 triệu trái phiếu VICB2124001 sẽ dùng để tăng vốn vào VinFast - một trong các công ty con thuộc tập đoàn; 1.860 tỷ đồng thu được từ 18,6 triệu trái phiếu VICB2124002 sẽ dùng để tăng vốn vào VinSmart.
Các trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi. Lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên cố định 9,7%, sau đó, lãi suất được tính bằng tổng của 3,7% và lãi suất tham chiếu (trung bình cộng lãi suất tiền gửi 12 áp dụng tại Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank). Lãi được trả định kỳ 3 tháng/lần.
Số lượng đăng ký mua tối thiểu đối với nhà đầu tư cá nhân là 100 tỷ đồng và với nhà đầu tư tổ chức là 500 tỷ đồng. Thời gian đăng ký từ 20/2 đến 11/3.
Tại thời điểm công bố, Vingroup có vốn điều lệ 34.447,7 tỷ đồng và ngành nghề chính theo đăng ký là kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình, nhà ở; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà hàng, dịch vụ ăn uống
Trước đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có báo cáo về kết quả phát hành trái phiếu đợt 1 VICB2023001 (kết thúc vào ngày 18/2) với tỷ lệ đạt 100%, thu về 1.515 tỷ đồng.
Ở đợt phát hành này có sự tham gia của 1 nhà đầu tư cá nhân trong nước với số lượng trái phiếu được phân phối là 290.396 đơn vị (trên tổng số lượng đăng ký mua là 1 triệu trái phiếu) chiếm tỷ lệ 1,92%.
Số lượng nhà đầu tổ chức trong nước tham gia là 4 nhà đầu tư với khối lượng được phân phối là hơn 13 triệu đơn vị (trên tổng số đăng ký là 44,8 triệu trái phiếu), chiếm tỷ lệ 85,87%. Có 1 nhà đầu tư nước ngoài tham gia với số trái phiếu được phân bổ là 1,85 triệu đơn vị (trên tổng đăng ký mua là 6,37 triệu trái phiếu), chiếm tỷ lệ 12,21%.
Sau đợt phát hành lần thứ nhất (tại ngày 18/2), tổng nợ của Vingroup ở mức 80.485,7 tỷ đồng, trong đó, chỉ tiêu nợ ngắn hạn ở mức 30.663,2 tỷ đồng và nợ dài hạn là 49.822,5 tỷ đồng. Trong khi nợ dài hạn tăng hơn 3 lần so với thời điểm 30/9/2020 thì chỉ tiêu nợ ngắn hạn bằng chưa tới 1/2, theo đó, tổng nợ thấp hơn 1.527,6 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2020.
Tổng vốn chủ sở hữu giảm từ 84.210,2 tỷ đồng xuống 79.804,6 tỷ đồng; tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,97 lên 1,01.
Liên quan đến hai đơn vị mà Vingroup đang tập trung đổ vốn vào là VinFast và VinSmart sau khi tập đoàn này khẳng định theo đuổi mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghiệp - công nghệ, mảng sản xuất của Vingroup đã có những bước chuyển đáng chú ý.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Vingroup, doanh thu từ hoạt động sản xuất mang về cho Vingroup 6.951 tỷ đồng trong quý 4, tăng đáng kể so với con số 4.894,6 tỷ đồng của cùng kỳ
Một số thông tin trên truyền thông gần đây cũng cho thấy, hiện 3 mẫu smartphone mà VinSmart sản xuất cho nhà mạng Mỹ đã bắt đầu "lên kệ" từ đầu năm 2021. Còn VinFast cũng gây bất ngờ với việc xuất hiện trong top 10 bán chạy nhất thị trường ở mẫu Fadil. Trong tháng đầu tiên của năm 2021, số lượng xe VinFast đã bán ra đạt 2.801 chiếc.