Ông Nhật Vượng rút khỏi lĩnh vực bán lẻ, đại gia Đăng Quang công bố tham vọng “số 1”
(Dân trí) - Đại gia giàu nhất Việt Nam “rút chân” khỏi lĩnh vực bán lẻ và tuyên bố “muốn trở thành nhà bán lẻ số 1 tại thị trường Việt Nam” của ông Nguyễn Đăng Quang là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua.
Ông Phạm Nhật Vượng rút khỏi lĩnh vực bán lẻ
Ngày 18/12, Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng chính thức công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp – công nghệ.
Trong đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID; toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.
Đây được cho là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của Vingroup, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp – công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho đối tác.
Một năm biến động, ông Trịnh Văn Quyết còn bao nhiêu tiền?
Trong một năm qua, thị trường chứng khoán biến động khó lường và có ảnh hưởng đáng kể đến “túi tiền” của ông chủ FLC. Thống kê cho thấy, đến thời điểm kết phiên ngày 17/12, tổng giá trị tài sản của ông Trịnh Văn Quyết vẫn đang đạt 8.232 tỷ đồng, nằm trong top 10 đại gia giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Ông Quyết xếp ngay trên ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế Giới Di Động (7.143 tỷ đồng) và xếp sau ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone (10.337 tỷ đồng).
Mặc dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, từng có thời gian “suýt” giàu nhất thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vị đại gia này có một số thói quen ăn uống bình dị.
Trên trang cá nhân, ông Quyết thường cập nhật những hình ảnh dùng bữa sáng với các món ăn dân dã như khoai lang, bánh tẻ… khiến nhà đầu tư thích thú.
Cú chốt “nghìn tỷ” cuối năm của đại gia 8X
Cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) trong sáng ngày 19/12 diễn biến không mấy thuận lợi khi bị giảm giá 0,51% còn 19.650 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, thanh khoản tại mã này khá tốt, đã đạt hơn 7,9 triệu cổ phiếu giao dịch.
Hội đồng quản trị Gelex vừa mới thông qua phương án phát hành trái phiếu giá trị 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm. Đây là loại trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, được bảo lãnh thanh toán bởi quỹ Đầu tư và Đảm bảo tín dụng (Credit Guarantee and Investment Facility - CGIF), một quỹ ủy thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo báo cáo tài chính của Gelex, tính đến ngày 30/9, doanh nghiệp của đại gia trẻ sinh năm 1984 Nguyễn Văn Tuấn đang có số vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn 8.589 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu kỳ. Trong đó, vay trái phiếu là 3.294 tỷ đồng, chiếm 38% nợ.
Tham vọng lớn của đại gia Nam Định
So với thời điểm đầu năm 2019, MWG của thế giới di động đã tăng giá mạnh (hơn 32% tương ứng hơn 27.500 đồng/cổ phiếu). Song, mã này đã bỏ khá xa so với đỉnh giá hồi cuối tháng 9 (128.000 đồng/cổ phiếu).
Theo đó, giá trị tài sản của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài cũng đã giảm đáng kể so với 3 tháng trước và rớt khỏi top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, vị đại gia này đang nắm trong tay khối tài sản cổ phiếu MWG trị giá khoảng 7.143 tỷ đồng.
Mới đây, “đế chế bán lẻ” của ông Nguyễn Đức Tài công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu khá tham vọng. Cụ thể, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động dự tính sẽ trình đại hội đồng cổ công kế hoạch doanh thu 122.445 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.835 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 35% so với mức kế hoạch đặt ra cho năm 2019.
Năm vừa qua, ngoài ngành nghề chính là kinh doanh thiết bị di động thì công ty của ông Nguyễn Đức Tài còn “lấn sân” sang các ngành hàng khác như đồng hồ, mắt kính, đồ gia dụng (nồi, niêu, xoong, chảo…).
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang công bố tham vọng “số 1”
Trên thị trường chứng khoán phiên ngày 19/12, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan bị đánh mất 800 đồng tương ứng 1,42% còn 55.600 đồng. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong 2 năm trở lại đây của MSN.
Tuy nhiên, MSN đang có cơ hội phục hồi sau khi có thông tin về một văn bản nội bộ từ ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group về vụ sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce và Công ty cổ phần TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco.
Trong bức thư gửi nhân viên, ông Quang đặt kỳ vọng, sau khi về Masan một năm, VinCommerce sẽ hòa vốn ngay trong năm 2020 (Ebitda = 0) và bắt đầu có lãi từ năm 2021.
Chủ tịch Masan Group cũng khẳng định rằng, để tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, ban điều hành sẽ quyết định để các công ty VinCommerce, VinEco và Masan Consumer tiếp tục là các công ty hoạt động độc lập với nhau, nhưng sẽ tương hỗ nhau để cạnh tranh được trên thị trường bán lẻ đầy khốc liệt.
VCM sẽ coi Masan Consumer như một đối tác, một nhà cung cấp bình đẳng như các nhà cung cấp khác. Masan Consumer cũng sẽ có các chính sách kinh doanh với VCM hoàn toàn bình đẳng với các chuỗi kinh doanh siêu thị đối tác khác.
Mục tiêu của tập đoàn này muốn biến VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ số 1 ở thị trường Việt Nam.
Thế Hưng