1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Túi tiền “nghìn tỷ” đầy vơi và tham vọng của đại gia Nam Định

(Dân trí) - Mặc dù MWG đã có dấu hiệu hồi phục và tăng mạnh hơn 32% so với đầu năm song thị giá của mã này đã bỏ xa đỉnh hồi tháng 9. Theo đó, giá trị tài sản của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài cũng đã giảm đáng kể so với 3 tháng trước và rớt khỏi top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường đi xuống, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động trong sáng nay (17/12) vẫn đạt được mức tăng khá 0,44% lên 113.700 đồng.

Dù so với thời điểm đầu năm 2019, MWG đã tăng giá mạnh (hơn 32% tương ứng hơn 27.500 đồng/cổ phiếu) song mã này đã bỏ khá xa so với đỉnh giá hồi cuối tháng 9 (128.000 đồng/cổ phiếu).

Theo đó, giá trị tài sản của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài cũng đã giảm đáng kể so với 3 tháng trước và rớt khỏi top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, vị đại gia này đang nắm trong tay khối tài sản cổ phiếu MWG trị giá khoảng 7.143 tỷ đồng.

Mới đây, “đế chế bán lẻ” của ông Nguyễn Đức Tài công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu khá tham vọng. Cụ thể, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động dự tính sẽ trình đại hội đồng cổ công kế hoạch doanh thu 122.445 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.835 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 35% so với mức kế hoạch đặt ra cho năm 2019).

Năm vừa qua, ngoài ngành nghề chính là kinh doanh thiết bị di động thì công ty của ông Nguyễn Đức Tài còn “lấn sân” sang các ngành hàng khác như đồng hồ, mắt kính, đồ gia dụng (nồi, niêu, xoong, chảo…).

Túi tiền “nghìn tỷ” đầy vơi và tham vọng của đại gia Nam Định - 1

Biến động giá của MWG trong vòng 1 năm trở lại đây

Về chứng khoán sáng nay, đây tiếp tục là một phiên đầy thử thách đối với các chỉ số chính khi thị trường đang phải đối mặt với áp lực bán khá lớn bất chấp dòng tiền vào thị trường ổn định.

VN-Index trong sáng nay đã đánh mất 1,41 điểm, tương ứng 0,15% còn 960,06 điểm; HNX-Index mất 0,12 điểm tương ứng 0,11% còn 103,1 điểm; UPCoM-Index cũng giảm nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,1% còn 55,48 điểm.

Thanh khoản tuy vậy đạt khá tốt. Trên HSX khối lượng giao dịch đạt 156,07 triệu cổ phiếu tương ứng 2.104,69 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 18,09 triệu cổ phiếu tương ứng 116,28 tỷ đồng; trên UPCoM là 3,73 triệu cổ phiếu tương ứng 39,43 tỷ đồng.

 Dù vậy, toàn thị trường vẫn còn tới 969 mã cổ phiếu không có giao dịch nào diễn ra. Thanh khoản tập trung tại cặp cổ phiếu FLC. Sáng nay, FLC tiếp tục tăng giá và được khớp lệnh mạnh tới 18,72 triệu đơn vị trong khi ROS giảm song khớp lệnh đạt 17,65 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, DLG tăng trần và được khớp 16,2 triệu đơn vị; HQC được khớp 8,45 triệu cổ phiếu và cũng tăng trần. Một số mã khác được giao dịch mạnh và diễn biến tích cực về giá gồm có AMD, HAI, HUT, ASM, ART.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá. Có 318 mã giảm, 26 mã giảm sàn so với 220 mã tăng và 35 mã tăng trần. Đây rõ ràng là điểm bất lợi đối với chỉ số, chưa hết, thị trường còn chứng kiến tình trạng giảm tại một số mã lớn như VNM, BID, TCB. Ở chiều ngược lại, SAB, VCB, BVH, CTG tăng giá nhưng không mang tính ảnh hưởng chi phối đến VN-Index.

Theo dự báo của Công ty chứng khoán SHS, phiên hôm nay, VN-Index có thể sẽ quay trở lại trạng thái giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-970 điểm.

Theo đó, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục trước đó và có thể cân nhắc giải ngân thêm nếu như thị trường có những nhịp kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 940 điểm (đáy tháng 6/2019).

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược mua thấp bán cao (buy low sell high) trong giai đoạn này với ngưỡng hỗ trợ và kháng cự gần nhất quanh 950 điểm và 970 điểm.

Mai Chi