Ông Nguyễn Văn Phụng: Ngành thuế chỉ thu không chi, sao tội vạ bổ đầu chúng tôi?

(Dân trí) - Thuế thì có thu thuế và chi tiền thuế (chi ngân sách), nhưng hiện nay ngành thuế chỉ thu, để cho ngành khác chi, nhưng sao mỗi khi có tội vạ đâu lại đổ hết lên đầu ngành thuế chúng tôi.

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) tại Hội thảo công bố Báo cáo Công bằng Thuế 2017vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính)
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính)

Nói trên quan điểm cá nhân, chuyên gia về thuế, ông Phụng cho rằng: Thuế hiện nay có hai hình thức thu thuế và sử dụng thuế (chi ngân sách). Ngành thuế hiện nay chỉ làm một nhiệm vụ là thu thuế, còn chi ngân sách là ngành nào ngành ấy làm.

"Chúng ta phải đặt câu hỏi, thu thuế hiện nay đã công bằng hay chưa? Chính sách có ổn không, quản lý tốt không? Nếu chính sách tốt mà quản lý không tốt thì cũng không tác dụng", ông Phụng đặt vấn đề.

Ông này nói: "Chi tiêu ngân sách là thuộc về quyền và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước tiêu chứ có phải ngành thuế được tiêu đâu? Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp.... có trách nhiệm chi tiêu ngân sách chứ. Tuy nhiên, khi tội vạ đâu lại đổ hết lên đầu ngành thuế chúng tôi".

Đại diện Tổng cục Thuế trăn trở: Nếu tiền thuế thu được, sử dụng không hiệu quả thì trách nhiệm đó thuộc về bộ phận chi ngân sách Nhà nước.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, đặc biệt là ngành thuế được xem là nơi hứng nhiều "gạch đá" phản đối của dư luận và truyền thông khi hàng loạt sắc thuế mới chỉ trong trứng nước (đưa ra đề xuất, lấy ý kiến dư luận) đã bị phản đối.

Đơn cử là Dự thảo Luật thuế sửa đổi 5 sắc luật thuế khác nhau như Thuế Giá trị gia tăng (VAT), thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu bia, nước giải khát, sữa hoặc chuyển nhượng đất đai...

Đặc biệt, vừa qua Dự thảo Luật thuế tài sản muốn đánh thuế mạnh vào xe ô tô trị giá 1,5 tỷ đồng và căn nhà thuộc sở hữu cá nhân có giá trị 700 triệu đồng. Bên cạnh đó cơ quan này cũng bị phản đối rất dữ dội về chính sách tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu....

Theo ông Phụng, về việc thu thuế hiện Việt Nam vẫn chưa công bằng, điều này làm phát sinh nhiều vấn đề trong xã hội như không thu thuế được của người giàu khi họ cho, tặng hoặc biếu sản phẩm đó cho người khác.

Một dẫn chứng là, ở nước ngoài, bố chuyển nhượng tài sản cho con, vẫn bị đánh thuế và thu thuế như bình thường. Nhưng ở Việt Nam, khi bố chuyển nhượng tài sản như nhà đất dù giá hàng chục tỷ, trăm tỷ vẫn không bị đánh thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ.

Quy định không đánh thuế thu nhập cá nhân được thực hiện theo Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, có sửa đổi tại Luật Thuế thu nhập cá nhân số 71/2014/QH13 tháng 11/2014. Trong khi đó, quy định về việc miễn phí và lệ phí trước bạ được thực hiện tại khoản 10 Điều 9 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP.

Theo các chuyên gia, chính việc miễn trừ thuế và phí đối với chuyển nhượng người thân đã làm nảy sinh hệ luỵ và lách luật. Bố hoặc con là đối tượng có tiền, giàu có khi chuyển nhượng cho nhau, nhà nước không thu được thuế, điều này khiến người giàu vẫn giàu và kéo theo nhiều người trong gia đình giàu theo.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ngân sách không chỉ mất đi tiền thuế mà đây chính là kẽ hở cho trục lợi chính sách, khi người giàu lợi dụng để chuyển nhượng tài sản sang cơn, cháu hoặc người thân, sau đó người thân đứng tên làm sân sau.

Nguyễn Tuyền

Ông Nguyễn Văn Phụng: Ngành thuế chỉ thu không chi, sao tội vạ bổ đầu chúng tôi? - 2