“Ông lớn” hàng không lỗ ngàn tỷ, đại gia ngành tôn rủng rỉnh… “hốt bạc”

Đại Việt

(Dân trí) - Dịch Covid-19 đã khiến Vietnam Airlines lỗ khoảng 10.750 tỷ đồng. Trong khi đó, tôn Hoa Sen vẫn “bỏ túi” 1.100 tỷ đồng.

“Ông lớn” hàng không lỗ ngàn tỷ, đại gia ngành tôn rủng rỉnh… “hốt bạc” - 1

Doanh nghiệp lớn trong nước vẫn có lãi nhờ thay đổi "chiến thuật" kinh doanh lúc khó khăn. Ảnh: Đ.V

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2019-2020 (1/7 – 30/9/2020).

Theo đó, sản lượng tiêu thụ quý 4 ước đạt 525.227 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt 8.349 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4 ước đạt 400 tỷ đồng, lớn gấp 4,8 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế niên độ tài chính 2019-2020 (từ ngày 01/10/2019 đến ngày 30/9/2020), sản lượng tiêu thụ HSG ước đạt hơn 1,622 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 108% kế hoạch.

Doanh thu ước đạt hơn 27.500 tỷ đồng, đạt 98,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 98,4% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.100 tỷ đồng, lớn gấp 3 lần so với cùng kỳ, vượt 2,8 lần so với chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Theo HSG, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đầu năm 2018 đã làm ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến này đã khiến HSG bị “đánh bật” ra khỏi câu lạc bộ doanh nghiệp có lợi nhuận ngàn tỷ.

Tuy nhiên, đơn vị này đã quyết định không cạnh tranh về giá, không chạy theo sản lượng mà tập trung vào nâng cấp chất lượng sản phẩm, bán hàng vào các thị trường và các mặt hàng có biên lợi nhuận cao, khai thác lợi thế cạnh tranh của hơn 500 đại lý. 

“Chúng tôi đã phải tinh gọn bộ máy, giảm chi phí quản lý đáng kể cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng quản lý hiệu quả các loại tài sản như hàng tồn kho, công nợ và các loại tài sản ngắn hạn khác. Việc này đã tạo điều kiện để giảm mạnh dư nợ vay ngân hàng, từ đó tiết giảm chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay”, đại diện HSG chia sẻ.

Cũng theo HSG, việc tăng trưởng đồng đều ở tất cả thị trường xuất khẩu trong bối cảnh vô cùng khó khăn đã đóng góp lớn vào sản lượng và lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Không được thuận lợi như HSG, “ông lớn” ngành hàng không Vietnam Airlines (Tổng công ty Hàng không Việt Nam; HOSE: HVN) cho biết, tổng doanh thu hợp nhất của đơn vị này trong 9 tháng đầu năm ước đạt 23.948 tỷ đồng, tuy nhiên mức lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng.

“Ông lớn” hàng không lỗ ngàn tỷ, đại gia ngành tôn rủng rỉnh… “hốt bạc” - 2

Dù có lượng khách gia tăng trong quý 3/2020 nhưng mức lỗ hợp nhất của Vietnam Airlines vẫn còn rất cao. Ảnh: Đại Việt

Theo HVN, để ứng phó với dịch Covid-19, đơn vị này đã tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp. Tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí, tái cơ cấu và tổ chức lại lao động.

Ngoài ra, HVN cũng tiến hành giãn tiến độ thanh toán, dừng triển khai các danh mục đầu tư chưa cấp thiết. Chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia, thanh lý đội tàu bay cũ...

“Trước ảnh hưởng của hai đợt dịch, Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) vẫn chiếm 51,7% thị phần vận chuyển hành khách nội địa. Trong 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group đã thực hiện an toàn tuyệt đối 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hoá”, đại diện HVN chia sẻ.

Theo HVN, mặc dù quý III/2020 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về sản lượng vận chuyển hành khách so với quý II, nhưng do các hãng hàng không trong nước tăng tải ồ ạt để kích cầu, cộng với việc thị trường hàng không quốc tế chưa được khai thác trở lại nên hiệu quả trực tiếp cho Vietnam Airlines Group còn rất hạn chế.

“Ông lớn” hàng không lỗ ngàn tỷ, đại gia ngành tôn rủng rỉnh… “hốt bạc” - 3

Các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines hiện nay đang có giá khá "mềm". Ảnh: Đại Việt

Cũng theo HVN, đơn vị này đã mở thêm 22 đường bay nội địa mới và khai thác hơn 60 đường bay nội địa với trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày. Sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thời điểm vượt đến 12% so với cùng kỳ.

Trong hơn 8 tháng, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã thực hiện hơn 100 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 30.800 công dân Việt Nam từ gần 30 quốc gia về nước an toàn. Hơn 2.600 chuyến bay chở hàng hóa, trong đó có nhiều tấn hàng là trang thiết bị y tế được vận chuyển miễn cước đã đến khắp mọi miền Việt Nam và nhiều quốc gia.

Trong các tháng cuối năm, Vietnam Airlines sẽ thắt chặt chi phí để duy trì hoạt động thông qua việc tái cơ cấu lao động, tiết giảm chi phí triệt để, đàm phán giảm giá, giãn nợ, sử dụng hạn mức vay ngắn hạn và kiến nghị giải pháp hỗ trợ với cổ đông Nhà nước.